Lại một vụ sản xuất nữa người dân Đồng Tháp phải đối mặt với khó khăn khi giá lúa giảm thê thảm, nhưng áp lực chi trả chi phí buộc người dân phải bấm bụng bán lúa.
Lúa ế, thương lái mất tăm
Đến Tháp Mười vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi cảm nhận rõ nhất sự ảm đạm của thị trường lúa gạo nơi đây. Ông Nguyễn Văn Thành (ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) thu hoạch cả chục tấn lúa đã hơn một tuần mà chẳng có ghe mua lúa nào tới hỏi. Ông Thành nói: “Giá thấp nhưng muốn bán cũng không dễ. Một số thương lái chỉ đến ngã giá cho qua loa, mua được thì mua, không thì xô ghe đi”.
Còn bà Đặng Thị Huệ (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) buồn bã: “Vì phải trả tiền vật tư nông nghiệp, chi phí gặt đập nên tôi phải bấm bụng bán lúa IR50405 với giá 3.800 đồng/kg. Dù giá này cầm chắc lỗ nhưng nếu trữ lại thì không có điều kiện phơi sấy”.
Trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tình trạng vắng bóng thương lái cũng diễn ra tương tự. Nhiều nông dân đã thu hoạch lúa chất đống trên đường nhưng thương lái chẳng thấy đâu. Ông Dương Hoài Nam (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) cho biết, thu hoạch 10ha lúa được 80 tấn nhưng cả tuần nay không bán được. “Tuần trước thương lái bỏ tiền cọc 10 triệu đồng mua lúa giá 4.150 đồng/kg. Khi thu hoạch xong gọi điện họ không tới, nay họ bảo chỉ lấy lúa nếu đồng ý với giá 3.600 đồng/kg” - ông Nam bức xúc.
Theo tính toán của nông dân, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu này khoảng 4.100 - 4.500 đồng/kg. Giá lúa hiện nay chỉ còn 3.150 - 3.500 đồng/kg, tất cả đều bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg. Những người sản xuất càng nhiều thì càng lỗ nặng.
Tạm trữ có “cứu” nổi nông dân
Trước tình hình giá lúa sụt giảm, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho VFA tiếp tục làm đầu mối thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, thời gian dự kiến từ ngày 15/6 - 31/7. Tuy nhiên, đến thời điểm ấy chắc gì nông dân Đồng Tháp còn lúa để bán.
Chia sẻ về việc không chờ được tạm trữ, ông Dương Hoài Nam cho biết: “10ha lúa của tôi bị ngã, lên mộng tại ruộng, dù giá rẻ nhưng nếu không bán lúa ướt thì không có nơi tồn trữ, phơi sấy. Mặt khác chưa biết đến khi tạm trữ, giá lúa sẽ lên được bao nhiêu trong khi chi phí phân thuốc đến vụ phải trả nên hầu như nông dân đều bán tại ruộng”.
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: Sản lượng lúa vụ hè thu này của tỉnh ước đạt 1.197 ngàn tấn. Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 104,212ha, tương đương hơn 60% tổng diện tích. Hiện giá lúa tươi đã sụt giảm 600 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng những người thu hoạch lúa sớm đành chịu lỗ, bán dưới giá thành để chi trả chi phí sản xuất.
“Việc VFA chậm triển khai mua tạm trữ như vụ đông xuân vừa rồi, một lần nữa hơn 60% nông dân trong tỉnh lại không được hưởng chính sách này. Hiện tại, VFA chưa phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên địa phương mong muốn VFA phối hợp với tỉnh, lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp mà tỉnh thấy có đủ năng lực thật sự và ưu tiên cho các doanh nghiệp này xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung chứ không làm theo kiểu “truyền thống” - tạm trữ giao cho doanh nghiệp này nhưng xuất khẩu lại giao cho doanh nghiệp khác” - ông Phan Kim Sa nói.
Áp lực tồn kho của doanh nghiệp
Cũng theo ông Phan Kim Sa, mặc dù VFA đã đưa ra quy định thời gian thu mua tạm trữ, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh đang chịu sức ép rất lớn vì số lượng lúa vụ đông xuân tồn kho. Vụ đông xuân vừa qua, các doanh nghiệp thu mua tạm trữ không xuất được lúa vì hợp đồng tập trung ít, giá giảm, trong khi đó từ ngày 20/5/2013 doanh nghiệp phải chịu lãi suất từ 80-100 đồng/kg lúa. Để hỗ trợ doanh nghiệp thì song song với việc triển khai thu mua tạm trữ, Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất 0% cho các doanh nghiệp này.
Đại diện một công ty thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh cho biết: Số lượng lúa tồn kho của công ty hiện nay là trên 40.000 tấn. Hiện tại công ty chưa được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ, nhưng để đảm bảo hoạt động, công ty vẫn tự tìm kiếm thị trường và chủ động thu mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, bình thường công ty mua 1.000 tấn lúa/ngày, hiện chỉ mua cầm chừng khoảng 700 tấn/ngày. Lúa giảm giá người nông dân gặp khó, nhưng trước tình hình khó khăn này doanh nghiệp cũng phải gắng gượng tìm kiếm hợp đồng và chờ chỉ tiêu tạm trữ, để vừa hỗ trợ nông dân lại vừa giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.
Như vậy, chưa biết tạm trữ sẽ triển khai như thế nào, doanh nghiệp được phân bổ bao nhiêu chỉ tiêu tạm trữ nhưng hiện nay, cả doanh nghiệp và người dân vẫn đang “gồng mình” chờ tạm trữ...
Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã