Trong những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tăng cường hợp tác với nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tham gia chương trình đào tạo khuyến nông để nâng cao hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông được Trung tâm khuyến nông Quốc gia không ngừng đổi mới cả về nội dung và phương pháp.
Việc tăng cường hợp tác PPP để huy động nguồn lực đầu tư khuyến nông, trong đó đầu tư vào đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân là một trong những nội dung ưu tiên. Hợp tác Quỹ Phát triển Nông nghiệp bền vững Syngenta, Công ty Bayer, Tập đoàn Lộc Trời... trong sản xuất nông nghiệp theo VieGAP, cấp chứng chỉ nguồn gốc, liên kết sản xuất đã nâng cao hiệu quả rõ rệt sản xuất kinh doanh người nông dân vùng dự án.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG, thời gian qua, TTKNQG đã thúc đẩy rất mạnh mẽ hợp tác công tư và xác định việc xã hội hóa hoạt động khuyến nông cần được tăng cường. Trong đó, quá trình phối hợp giữa TTKNQG và Quỹ Syngenta đã đạt được rất nhiều kết quả thông qua các sản phẩm từ hoạt động chung của 2 bên.
“Hiện nay, không chỉ những người làm khuyến nông mà các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và đến người sản xuất cũng tự làm khuyến nông, do đó, hoạt động khuyến nông này cần được mở rộng”, ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Theo ông, có thể thấy, nguồn lực trực tiếp của Chính phủ chưa thể đủ cho các hoạt động khuyến nông, do đó, nhu cầu sản xuất rất cần có thêm các mối quan hệ hợp tác công tư để tăng cường hiệu quả khuyến nông. Ông cũng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, mối quan hệ, hợp tác giữa các bên sẽ được nâng tầm về quy mô, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu cũng là một đối tác quan trọng đối với khuyến nông.
“Nếu muốn chuyển giao, phát triển, đưa công nghệ vào sản xuất thì cần đến các cơ quan nghiên cứu. Các cơ quan này còn có thể hỗ trợ nguồn chuyên gia cho các hoạt động khuyến nông”, Giám đốc TTKNQG cho biết.
Ví dụ như, TTKNQG và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ, đặc biệt là khi ĐBSCL xảy ra hạn mặn hay miền Trung xảy ra lũ lụt trong năm nay, 2 bên đã đưa ra được nhiều tài liệu, giải pháp, sản phẩm hướng dẫn trực tiếp đến người dân để khôi phục sản xuất.
Về hợp tác với các doanh nghiệp, tháng 9 vừa qua, trước tác động lớn của xâm nhập mặn, hạn hán và dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nông hộ sản xuất nhỏ, TTKNQG đã khởi động dự án PPP với Tổ chức Grow Asia và Công ty Bayer Việt Nam.
Dự án này hỗ trợ 2 triệu nông hộ sản xuất nhỏ gói giải pháp toàn diện bao gồm hạt giống, thuốc BVTV, giải pháp tiếp cận thị trường và an toàn sức khỏe người dân nhằm góp phần đảm bảo cuộc khủng hoảng về sức khỏe và kinh tế hiện tại không biến thành cuộc khủng hoảng về đói nghèo.
Cụ thể, dự án được triển khai tại 5 tỉnh miền Tây (Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau) và 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án hỗ trợ 80.000 nông dân gói giải pháp toàn diện bao gồm: hỗ trợ giải quyết khâu nguyên liệu đầu vào (hạt giống, sản phẩm bảo vệ cây trồng giúp bảo vệ năng suất), chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Ngoài ra, dự án này cũng giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Ông Đào Xuân Cường, Giám đốc Quỹ Syngenta cho biết, đây là tổ chức phi lợi nhuận, trong thời gian qua đã cộng tác với các cơ quan của nhà nước, trong đó có TTKNQG để tuyên truyền, đào tạo cho người nông dân về quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trên rau quả.
Mô hình này đã và đang đạt được hiệu quả cao, điều cần thiết hiện nay là làm thế nào để nhân rộng, triển khai được nhiều hơn nữa các quy trình mà Quỹ Syngenta cùng các đối tác đã xây dựng và TTKNQG là đơn vị có khả năng quảng bá, tuyên truyền rất tốt trong lĩnh vực này.
“Mô hình hợp tác công tư – PPP là tất yếu, không chỉ với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác vì mỗi bên đều có những thế mạnh riêng cho mình. Phía Nhà nước thì có nhiều nghiên cứu, đầu tư và có các chủ trương, chính sách rất đúng đắn.
Tuy nhiên, để triển khai các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả đến với bà con nông dân thì cần đến sự đóng góp của các đơn vị ở khu vực tư nhân. Ví dụ như Quỹ Syngenta, Công ty Syngenta phối hợp với TTKNQG sẽ tạo ra hợp tác công tư phát huy được sức mạnh của các đối tác.
Từ đó, các nghiên cứu của Nhà nước sẽ được khối tư nhân triển khai xuống bà con nông dân một cách rộng rãi, hiệu quả hơn”, ông Đào Xuân Cường nhận định.
Theo Giám đốc Quỹ Syngenta, sau 2 năm cộng tác với TTKNQG đã xây dựng được một bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sự kết tinh, thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa 2 cơ quan, được in ra hàng nghìn bản, chuyển tới các đơn vị khuyến nông của 63 tỉnh thành trên cả nước.
Ngoài ra, 2 bên cũng phối hợp, tổ chức thành công 2 lớp tập huấn nội dung tài liệu này cho cán bộ khuyến nông địa phương, sau đó họ sẽ lại trở thành giảng viên, truyền đạt lại cho bà con nông dân và lực lượng khuyến nông cơ sở.
Cụ thể, năm 2019, Quỹ Syngenta và TTKNQG đã tổ chức lớp cho các học viên của 12 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, sau đó là lớp dành cho học viên 12 tỉnh miền núi phía Bắc.
Chia sẻ về tương lai, ông Đào Xuân Cường nói, gần 10 năm qua, Quỹ Syngenta đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và theo đánh giá của nhiều tổ chức phi chính phủ là đối tác của Quỹ, hiện nay, người nông dân Việt Nam đã có thu nhập khá hơn, điều kiện và kiến thức thực hành nông nghiệp tốt hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Do đó, trong thời gian tới, Quỹ sẽ hướng sang một số quốc gia như Campuchia, Myanmar, Lào…
Tuy nhiên, trước khi quá trình này được thực hiện, Quỹ Syngenta vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân Việt Nam, hợp tác với TTKNQG để nâng cao hiệu quả khuyến nông.
Thời gian tới, TTKNQG và Công ty Syngenta sẽ hợp tác phát triển cây lúa, đặc biệt là trong vấn đề cơ giới hóa và Quỹ Syngenta luôn sẵn sàng phối hợp để đem lại kết quả tốt nhất cho tất cả các bên.
Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông đã nêu rõ hợp tác PPP trong khuyến nông là sự hợp tác giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, triển khai hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông.
Mục tiêu là tạo ra sự hợp tác giữa hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và tư nhân. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của của các bên để hợp tác chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, tránh trùng lặp, lãng phí vốn.
Xây dựng mối liên kết giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân. Sử dụng có trách nhiệm vật tư nông nghiệp.
https://nongnghiep.vn/bung-no-hop-tac-cong-tu-khuyen-nong-d280060.html
Theo Tùng Đinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã