Nhiều người dân trên địa bàn xã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang.
Trồng rừng thâm canh được xem là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên vùng rừng U Minh Hạ. Với kỹ thuật xẻ mương, lên liếp nên cây tràm và keo lai phát triển rất nhanh, đã rút ngắn được chu kỳ khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu trước đây, cây tràm trồng theo lối quảng canh truyền thống, phải mất từ 10 năm trở lên mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ còn 5 năm là người dân có thể thu hoạch, mỗi héc ta từ 100-160 triệu đồng. Bên cạnh cây rừng, người dân còn tích cực tận dụng, diện tích đất rừng trồng các loại rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia cầm, gia súc tạo thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Đây là những con số thật ấn tượng, đánh dấu sự thay đổi lớn lao ở một vùng quê từ lâu nghèo khó.
Gia đình ông Nguyễn Trung Kiên, ngụ âp 16, xã Nguyễn Phích có 14 ha đất rừng trồng tràm Úc và keo lai. Để tạo thu nhập cho gia đình chờ ngày thu hoạch cây rừng, ông Kiên trồng khoảng 2 ha chuối, bình quân thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Với diện tích đất rừng lớn nên cách 2 năm ông thu hoạch khoảng 2 ha cây rừng, lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Trước đây trồng tràm theo hình thức quảng canh, trồng tràn lan, không kê liếp, hiệu quả không cao mà có khi gần đến thu hoạch rừng bị cháy rụi nên mất trắng, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng giờ nhờ có chủ trương được trồng rừng thâm canh, mang lại kinh tế cao người dân rất có ý thức bảo vệ rừng nên nhiều năm rồi không xảy ra cháy rừng”.
Mô hình đa dạng cây trồng vật nuôi đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Nguyễn Phích thực hiện đạt hiệu quả cao.
Cách đó không xa là gia đình anh Võ Thanh Tuấn cũng đang xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn. Với diện tích 6,8 ha đất rừng, anh Võ Thanh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp “vườn - ao - chuồng”. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh Tuấn thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ngày càng phát triển và trở thành một trong những hộ nông dân điển hình trong phong trào lao động sản xuất kinh doanh tại địa phương. Anh Võ Thanh Tuấn cho biết: “Theo tính toán phải mất ít nhất 3 năm cây gỗ mới cho thu hoạch, vì vậy cần phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Chính vì thế, tôi quy hoạch lại 2ha đất còn lại làm chuồng nuôi 5.000 còn gà thịt, trồng hơn 300 gốc mít, 50 chục gốc cam, quýt, 100 gốc mãng cầu và nuôi cá nước ngọt. Từ mô hình này, tôi thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Nguyễn Hồng Biên cho biết: “Nhờ chủ trương chuyển dịch đúng hướng mà diện mạo nông thôn của xã ngày nay đã “thay da đổi thịt” và đang trên đường xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Đa số hộ dân đều có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Những gia đình ít nhân khẩu thì tập trung phát triển sản xuất, trồng rừng, kết hợp trồng trọt chăn nuôi kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày; những gia đình nhiều nhân khẩu trong độ tuổi lao động đều có việc làm tại địa phương hoặc đi lao động ngoài tỉnh để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo trong lâm phần trên địa bàn xã đã giảm sâu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,67%”.
Hiện nay, xã Nguyễn Phích đang tăng tốc xây dựng nông thôn mới. Với sự chuyển dịch kinh tế đúng hướng và ý thức vươn lên trong phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn sẽ là đòn bẩy để xã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Theo Kim Nhiên/camau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã