Ông Võ Văn Thịnh (43 tuổi, ngụ N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là doanh nhân, làm việc cho một doanh nghiệp đa quốc gia về chế biến, xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào cuộc hội thảo về phát triển thực phẩm bền vững ở Đà Lạt, ông đã có sự thay đổi khi quyết định đầu tư thêm vào trồng ớt chuông công nghệ cao.
Đi giữa những hàng ớt chuông cao quá đầu người, ông Thịnh không giấu được niềm vui, thổ lộ: “Toàn bộ vườn khoảng 1,6ha, trong đó có 1,3ha nhà kính công nghệ cao để trồng ớt. Cây được chăm sóc khoa học nên phát triển nhanh, cho trái rất đều. Bây giờ, cứ 2 ngày là thu hoạch một lần để chuyển hàng cho đối tác”.
Theo doanh nhân 43 tuổi, ngành nghề của ông chủ yếu tập trung vào phát triển cà phê và ngoài việc làm ở công ty đa quốc gia, vợ chồng ông còn mở công ty chế biến cà phê ở địa phương. Với cây ớt chuông, dù quá khứ chưa từng thực hiện mô hình nào nhưng biết đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên ông đã tập trung tìm hiểu, nghiên cứu. Sau khi củng cố kiến thức, gia đình ông quyết bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư, thực hiện.
Trên diện tích 1,3ha, ông xây dựng nhà kính với 4 phân khu, dùng bạt nhựa trải thảm ở nền vườn và thiết lập hệ thống tưới, đặt giá thể xơ dừa. Để quy trình sản xuất được hiệu quả, ông trực tiếp nhập giống ớt có nguồn gốc Ấn Độ từ một doanh nghiệp. Bên trong nhà kính, ớt được trồng vào giá thể xơ dừa và phân bổ theo từng hàng dài. Những cây ớt tại đây phát triển với chiều cao lên đến 2m, hoa và trái chín liên tục hiện diện trên thân.
Ông Võ Văn Thịnh chia sẻ: “Hệ thống quan trắc giúp tôi nắm bắt được sự thay đổi của ánh sáng để có sự điều chỉnh phù hợp. Ở nhà kính, nếu không nắm bắt, điều chỉnh được độ sáng thì cây dễ bị cháy lá, cháy thân. Ngược lại, để ánh sáng quá yếu sẽ khiến cây phát triển chậm, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản”.
Chủ vườn thổ lộ, với công nghệ hiện đại, việc chăm sóc cây ở vườn trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Việc tưới nước, bón phân đều được thực hiện thông qua hệ thống tưới thông minh. Các chỉ số về độ pH, độ EC ở giá thể luôn được đo đếm để đảm bảo các dưỡng chất bón cho cây không bị dư thừa, không thiếu hụt.
“Nếu làm theo kiểu truyền thống thì rất khó để kiểm soát được các dưỡng chất cho cây trồng. Với mô hình công nghệ cao, lượng nước, phân bón cho cây được tính toán chi li để đảm bảo cây hấp thụ tối đa. Cũng nhờ vậy mà cây phát triển nhanh, cho hoa, trái đều và chất lượng rất cao”, ông Thịnh chia sẻ.
Tại văn phòng điều hành nông trại, chiếc “đồng hồ” điện tử hình chữ nhật liên tục cập nhật các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió... ở khu vườn. Vừa giới thiệu xong các chức năng, ông Thịnh liền nói: “Đây là thiết bị hiện đại nhất mà tôi dùng để kiểm soát vườn. Thiết bị này kết nối với trạm quan trắc bên ngoài và có chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng. Nhờ bộ thiết bị này mà các thông số về thời tiết được cập nhật, giúp tôi nắm bắt để điều chỉnh việc chăm bón cho phù hợp”.
Chỉ tay vào góc màn hình của thiết bị điện tử, chủ vườn giới thiệu: “Đây là chỉ số cảnh báo mưa. Cái này báo chính xác tuyệt đối trước khi mưa xuất hiện 15 phút. Khi hệ thống này báo, công nhân làm tại vườn sẽ thực hiện các thao tác như đóng cửa nhà kính, che chắn các vị trí thường có gió, mưa tạt mạnh để tránh việc cây bị gãy đổ. Dịch bệnh vì thế cũng không thể lây lan”.
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên cây trồng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sâu hại. Theo chủ vườn, ơt chuông được trồng trên giá thể xơ dừa kết hợp chế độ chăm sóc khoa học nên nấm bệnh ở bộ rễ được kiểm soát lên đến 95%. Với mô hình này, cây phát triển nhanh và cho thu hoạch đều đặn. “Từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch ớt chuông là 3 tháng. Chế độ chăm sóc được đảm bảo thì cây sẽ cho thu hoạch liên tục 6 tháng và mỗi cây sẽ cho thu hoạch trung bình 5kg trái/đợt”, ông Võ Văn Thịnh nói.
Với 4 khu nhà kính công nghệ cao, mỗi tháng, gia đình ông Thịnh thu hoạch từ 40-50 tấn ớt. Bán nông sản cho đối tác với mức giá từ 38.000-40.000 đồng/kg, mỗi tháng chủ vườn có nguồn thu nhập trên 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, ông Thịnh đang thực hành sản xuất theo quy trình VietGAP và thời gian tới triển khai quy trình GlobalGAP để đảm bảo các tiêu chí của thị trường quốc tế.
Đồng thời làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, Singapore để hướng đến xuất khẩu trực tiếp qua các thị trường này. Ông thổ lộ, việc xuất khẩu hiện tại đang được thực hiện thông qua công ty trung gian. Do vậy, nhiều vấn đề ngoài ý muốn luôn phát sinh. Để xuất khẩu trực tiếp, ngoài việc tập trung phát triển 1,3ha ớt chuông hiện tại, gia đình ông Thịnh lên phương án xây dựng khu nhà kho sơ chế, đóng gói rộng 1.000m2 và tiếp tục đầu tư, mở rộng khu sản xuất thêm 4ha.
“Lúc bắt tay vào làm, cái trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư. Hơn nữa, trước đây chưa từng làm rau công nghệ cao nên luôn có tâm lý lo ngại, không biết có thu được hay mất trắng!?. Sau thời gian khảo sát thị trường, niềm tin được củng cố nên quyết định vay ngân hàng để làm”, ông Võ Văn Thịnh thổ lộ và cho biết thêm, hiện nay, việc sản xuất ở vườn đi vào quy củ, nguồn thu ổn định. Khu vườn cũng là nơi tạo công ăn, việc làm cho 13 thanh niên dân tộc thiểu số và một kỹ sư nông nghiệp.
https://nongnghiep.vn/ty-phu-ot-chuong-cong-nghe-cao-d280058.html
Theo Minh Hậu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã