Bám ruộng rau để chung tay chống dịch
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quang cảnh vùng trồng rau sạch La Hường lớn nhất TP.Đà Nẵng có phần đìu hiu hơn so với trước, người mua kẻ bán thưa vắng hơn. Những nông dân trồng rau ở đây luôn tự giác chấp hành quy định hạn chế ra đường khi không cần thiết, nhưng không thể một ngày không ra đồng để chăm nom, thu hoạch rau.
Đang xới đất để chuẩn bị xuống giống rau vụ đông, ông Mai Văn Y (70 tuổi, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nói: "Dịch Covid-19 đợt 2 này Đà Nẵng là tâm dịch, nên hoạt động cách ly xã hội được thực hiện nghiêm ngặt và kéo dài. Nhưng là nông dân trồng rau tôi không thể bỏ ruộng dù chỉ một ngày, ít nhất phải ra thăm ruộng một lần trong ngày".
Theo ông Y, khi thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, rau màu rất dễ hư hại, do đó người trồng phải thường xuyên tưới nước, làm cỏ và bón phân để đảm bảo sản lượng. "Hơn nữa, việc duy trì sản xuất giúp nguồn rau củ quả được cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng trong thành phố, giúp họ yên tâm thực hiện cách ly xã hội, chống dịch".
Theo đó, tất cả nông dân trồng rau tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ) đều nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang khi làm việc, giữ khoảng cách an toàn và không tụ tập để trò chuyện.
Bên cạnh đó, mỗi nông dân sẽ được cấp giấy chứng nhận là xã viên tại HTX rau La Hường để được đi giao hàng rau, củ cho một số chợ như: chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa Cầm.
Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn La Hường cho biết, để đảm bảo nguồn rau sạch không bị khan hiếm, HTX khuyến khích bà con sản xuất cân đối nhưng vẫn tuân thủ quy định giữ an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19. HTX vẫn thu mua rau, củ, quả của bà con nông dân để cung cấp cho nhiều đầu mối. Các thương lái đến mua rau tại vườn cũng phải tuân theo quy định chung trong mùa dịch.
Rau củ quả được giá, nông dân phấn khởi
Bà Phan Thị Châu tâm sự: "Nông dân trồng rau thì thu nhập bấp bênh lắm, vì thời tiết thất thường, giá cả lên xuống khó đoán. Hai lần bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 khiến nhà nông chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đợt dịch lần 2 này Đà Nẵng cách ly xã hội nên nguồn rau, củ, quả từ các vùng khác như: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum hay Trung Quốc không thể nhập vào Đà Nẵng. Vì thế nguồn rau chủ động tại địa phương bán rất chạy, giá cả cao hơn trước, nông dân chúng tôi cũng phấn khởi hơn".
Tại HTX rau sạch Túy Loan (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), nông dân Tán Thị Xí (60 tuổi) vừa hái ớt vừa bộc bạch, dịch bệnh dù diễn biến phức tạp nhưng bà chấp hành tốt biện pháp phòng dịch nên yên tâm ra đồng canh tác.
Nhờ có HTX cam kết tiêu thụ nên giá cả mùa dịch luôn ổn định, một phần rau xanh nông dân tự tiêu thụ tại chợ Túy Loan có giá bán cao hơn, năng suất đạt nên nông dân rất phấn khởi. Với 4 sào trồng ớt xanh và rau màu, bà Tán Thị Xí thu lãi từ 200.000-300.000 đồng mỗi ngày trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi thất thường nên sản lượng rau có phần hao hụt, dẫn đến giá rau củ quả bán tại các vườn rau sạch trên địa bàn TP.Đà Nẵng cao hơn lúc chưa có dịch từ 2.000-5.000 đồng.
Điển hình như mướp có giá khoảng 15.000-17.000 đồng/kg, bí đao 15.000 đồng/kg, bầu 12.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/bó, rau dền 7.000 đồng/bó, rau bồ ngót 8.000-10.000 đồng/bó, ớt xanh 15.000-20.000 đồng/kg…
"Vì thực hiện cách ly xã hội nên nhiều đầu mối rau xanh không thể tập kết về thành phố, nguồn hàng thiếu hụt nên rau tại vườn địa phương bán chạy hơn. Thêm vào đó, sản xuất khó khăn do nắng nóng, rau củ kém phát triển, nhu cầu tiêu dùng lại cao nên giá bán hiện nay có phần nhỉnh hơn trước khi có dịch. Trồng rau vất vả, lại bấp bênh nhưng nhờ siêng năng chăm nom 4 sào ruộng, mà tôi thu lãi trung bình 100 triệu đồng/năm"- ông Mai Văn Y chia sẻ thêm.
Hoạt động sản xuất của bà con nông dân tại các vườn rau luôn tích cực, có kiểm soát số lượng xuống giống nhằm đảm bảo cung cầu cân đối. Bên cạnh đó, nông dân luôn đeo khẩu trang suốt quá trình canh tác, không tụ tập hay tiếp xúc gần để trò chuyện, chỉ hoàn thành công việc và trở về nhà, góp phần chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã