Đó là anh Nguyễn Tú Tài (SN 1983), hiện đang trú tại thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Năm 2017, anh Tài thầu lại khoảng 3ha đất nông nghiệp tại thôn Hướng Nghĩa để trồng cây ăn quả; kết hợp với chăn nuôi vịt, gà, cá. Đây là cánh đồng từng bị bỏ hoang cho cỏ mọc, do chất đất xấu, nhiễm chua.
Trước năm 2015, đã có nhiều người thầu lại để phát triển mô hình VAC, có người đã đổ vào mảnh đất này tiền tỉ; tuy nhiên làm ăn không hiệu quả nên họ đành phải “dứt áo ra đi”.
Như muốn thử thách chính mình, anh Tài quyết định thầu lại diện tích trên để làm giàu từ hai bàn tay trắng. Bản thân sinh ra và lớn ở vùng quê Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - một vùng đất chuyên canh cây cảnh và cây ăn quả nên cũng có kiến thức, kinh nghiệm và kĩ thuật trồng trọt.
Anh chọn giống ổi Đài Loan để canh tác trên vùng đất cằn cỗi này. Thời điểm đó, anh trồng hơn 4.000 gốc. Qua một thời gian canh tác, cây ổi phát triển kém, chết dần, chết mòn, chết hơn 80% diện tích.
“Nguyên nhân do đâu?”, tôi hỏi. Anh Tài bảo: “Toàn bộ diện tích này đều là đất pha cát, bị nhiễm chua nặng, do đó cây phát triển kém, còi cọc và chết”.
Với vốn kiến thức về trồng trọt sẵn có của mình, anh Tài đã cải tạo lại đất trồng, giúp đất tơi xốp hơn. Anh rải vôi bột khắp kín vườn, tiếp đến dùng máy cày cày xới đất lên, sâu khoảng 40cm. Để đất hả hơi khoảng 10 ngày thì tiếp tục rải 1 lớp vôi bột mỏng, chế phẩm Trichoderma và phân hữu cơ.
Sau khi hoàn thành các công đoạn trên, anh đưa cây giống vào trồng. Đợt đó, anh trồng lại 1.000 gốc ổi. “Rất vui là cây ổi phát triển tốt, tỉ lệ sống cao”, anh Tài nhớ lại.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn ổi, anh Tài giãi bày, mùa nắng thì đất nóng, giữ nước kém; mưa thì nước trôi, không ngấm vào đất nên đất luôn thiếu độ ẩm.
Để giải quyết được tình trạng này, anh đã dành nhiều ngày công đi thu gom rơm, rạ và cỏ bổi cho vào gốc cây với mục đích giữ nước. Bước đầu, đã có tác dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng phương pháp này anh phát hiện nhiều cây ổi bị bệnh nấm mốc, gây hại. Lúc đó, trong đầu anh luôn đau đáu: “Làm thế nào để đất luôn giữ ẩm, cây phát triển tốt, không bị dịch bệnh?”. Anh bảo, đó là bài toán chưa có lời giải.
Sau nhiều đêm trằn trọc thức giấc, suy nghĩ, anh đã tự sáng kiến phương pháp giữ ẩm cho cây trồng theo cách riêng biệt của mình.
Anh dùng vải vụn phế liệu, xin lại ở một số cơ sở may mặc, đem về trộn lẫn với đất cùng phân hữu cơ ủ vào các gốc cây, trên bề mặt anh rải thêm 1 lớp vải vụn. Và rồi, một kết quả mĩ mãn đã hiện hữu trên mô hình.
“Việc trộn lẫn vải vụn với đất, cùng phân hữu cơ tự nhiên cho vào các gốc ổi đã đem lại kết quả khả quan; đất giữ ẩm lâu hơn, giúp cây trồng phát triển tốt. Với mùa nắng nóng như hiện nay, khoảng 15 ngày mới phải tưới 1 lần, còn mùa đông thì hầu như không phải tưới”, anh Tài nói.
Cũng theo anh Tài, ngoài những ưu điểm đó, áp dụng phương pháp này còn giúp chất dinh dưỡng từ phân bón hữu cơ được lưu lại trong đất lâu hơn, không bị rửa trôi.
Có thể nói, bài toán khó đã tìm ra lời giải. Vùng đất khắc nghiệt này thực sự bị khuất phục dưới bàn tay, trí óc của anh Tài.
Anh Tài cho biết, hiện trang trại có hơn 1.000 cây ổi đã cho thu hoạch quả rộ; 300 cây bưởi da xanh đang bói quả và 4.000 cây bưởi giống để phục vụ cho những ai có nhu cầu.
Trang trại nói không với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV nên sản phẩm luôn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, được thương lái thu mua tận vườn; đầu ra không bao giờ bị bế tắc, nhiều lúc nguồn cung không đủ cầu.
Theo tính toán, với diện tích khoảng 3ha, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi; mỗi năm anh Tài “đút túi” hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.
“Toàn bộ diện tích vườn được chăm bón bằng phân bón hữu cơ. Ngoài ra, cỏ vườn cũng được làm bằng phương pháp thủ công, chứ không dùng thuốc trừ cỏ để phun trừ”, anh Tài cho hay.
Hỏi về nguồn phân bón hữu cơ mà trang trại đang sử dụng, anh Tài không ngại ngần chia sẻ: “Tôi ngâm đỗ tương, cá, trứng vịt với chế phẩm Trichoderma, mỗi loại 1 thùng; ngâm trong vòng 6 tháng thì đem ra tưới kết hợp cho cây”.
Ngoài ra, anh còn dùng vỏ trứng gà, vịt rải quanh gốc cây ổi. Theo anh, vỏ trứng có nhiều can xi, giúp cây có thêm chất dinh dưỡng để nuôi quả nên quả đẹp mã, chất lượng ngon (quả ngọt, giòn, thơm, cùi dầy).
Cầm quả ổi trên tay, anh Tài bật mí: Để quả ổi tụ hội đầy đủ hương vị, đạt chuẩn chất lượng thì nên thu hoạch quả chín trong khoảng thời gian từ 5 - 6h sáng. Thời gian còn lại trong ngày nên hạn chế thu hoạch.
“Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng một quy trình chăm sóc ổi mới, thử nghiệm trên khoảng 20% diện tích; đây là quy trình mà tôi tự mày mò, nghiên cứu. Trong quá trình chăm sóc, tôi sẽ ghi lại chi tiết nhật kí chăm sóc từng ngày cho đến khi được thu hoạch. Nếu chất lượng ổi thơm ngon hơn hiện tại, thì tôi sẵn sàng chia sẻ lại quy trình chăm sóc cho mọi người, không giấu giếm điều gì”, anh Tài khẳng định.
Ngoài việc tập trung phát triển trang trại, anh Tài cũng tích cực giao lưu với các nhà vườn khác trong tỉnh; hướng dẫn kĩ thuật, tặng cây giống cho những ai có nhu cầu. Không những thế, anh còn tự bỏ tiền túi cải tạo lại hệ thống kênh mương, sửa sang cống nước ngoài ruộng lúa để bà con trong thôn cùng hưởng lợi.
Theo Mai Chiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã