Người uy tín Quảng Ninh được khen thưởng năm 2018. Ảnh Ban Dân tộc tỉnh cung cấp
Từ sự chủ động của ông Thoa, người dân Thán Đồng Cậm, trong đó đại đa số là người dân tộc Tày, Sán chỉ nhận thức rất rõ hành vi, mức độ, tác hại của việc nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để lọt những trường hợp lợi dụng địa hình để nhập cảnh trái phép vào thôn, hoặc qua thôn để đến các địa bàn khác. Ông Hoàng Ngọc Thoa, thôn Thán Đồng Cậm, xã Hoành Mô cho biết: Vốn là dân bản địa, sinh sống trên địa bàn từ nhiều năm qua, tôi hiểu rất rõ địa hình, địa thế cũng như từng hộ dân trong thôn. Vì vậy, khi chính quyền cần có sự phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự thì không có lý gì mình không tham gia. Bà con trong thôn ai cũng hiểu lời mình nói, việc mình làm, nhận thức rõ về hành vi vi phạm này nên theo mình phòng chống thôi. Và khi nhiều người cùng làm như vậy thì hoạt động trở thành phong trào, mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Ở huyện Bình Liêu, cùng với ông Hoàng Ngọc Thoa, còn có gần 100 người uy tín khác trong đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày ngày lan tỏa những việc làm, tư duy tích cực từ chính uy tín của mình. Lực lượng này, cũng chính là những nhân tố điển hình để Bình Liêu đạt được kết quả tốt trong thực hiện các chương trình 135, 196, chương trình xây dựng nông thôn mới...
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu khẳng định: Đối với một huyện miền núi, vùng cao, giáp biên, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông như Bình Liêu thì vai trò của những người uy tín rất quan trọng. Bình Liêu đặc biệt quan tâm đội ngũ này, lấy đây là một mũi xung kích trong mặt trận tư tưởng huy động khối đại đoàn kết trong nhân dân, kết nối chính quyền với nhân dân...
Hiện toàn tỉnh, có trên 500 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Họ là những người có tuổi, có tiếng nói và uy tín, được người dân tin tưởng bầu ra và hoạt động theo nhiệm kỳ. Phần lớn người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh đều phát huy trí, lực của mình để tuyên truyền, vận động người dân nhận thức và thực hiện tốt những quy định pháp luật, tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thực tế thời gian qua, trong từng hoạt động cụ thể đã có rất nhiều những điển hình người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đi trước, làm đầu tàu để người dân trong thôn, bản noi theo. Đơn cử như trong các hoạt động như: Hiến đất làm đường, khuyến học, khuyến tài, bài trừ hủ tục, ăn ở vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự cơ sở, phòng chống dịch Covid-19, chống nhập cảnh trái phép, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình...
Ông Dường Cắm Hếnh, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tích cực vận động người dân bài trừ tệ nạn xã hội. Ảnh: Yến Vy
Có thể kể đến các điển hình người uy tín trong đồng bào dân tộc Quảng Ninh như ông Dường Cắm Hếnh, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tích cực vận động người dân bài trừ tệ nạn xã hội. Ông Hoàng Mít, thị trấn Ba chẽ, huyện Ba Chẽ điển hình trong hoạt động hòa giải cơ sở. Ông Từ Văn Hiệp, thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn vận động người dân không khiếu kiện đông người. Ông Triệu Tài Cao, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long tích cực tố giác tội phạm. Ông Đàm Văn Sáng, thôn Phá Lán, xã Thanh Lân, huyện Ba Chẽ điển hình trong vận động bà con hiến đất để xây dựng các công trình nông thôn mới...
Mặc dù hoạt động trên tinh thần tự nguyện là chính, không có những chế độ như các chức danh cơ sở khác, tuy nhiên ngững người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Ninh luôn được tỉnh chăm lo, khuyến khích, động viên. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, trung bình hàng năm tỉnh dành 2 tỷ đồng và các địa phương dành 2 tỷ đồng để khen thưởng, thăm hỏi, tặng quà, tri ân người uy tín trong các dịp lễ, tết, người uy tín cũng được tham gia các khóa học tập kinh nghiệm ở tỉnh ngoài, đi tham quan các danh thắng... Điều này đã thêm phần khuyến khích người uy tín phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình, lấy uy tín của mình để lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp đến cộng đồng dân cư trong mỗi thôn, bản.
https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=98493
Theo Việt Hoa/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã