LTS :Việt Nam có trên 5.100 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, nguồn dược liệu trong nước hiện mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những mô hình sản xuất, cách làm hay, cũng như những khó khăn, bất cập trong phát triển cây dược liệu ở các địa phương.
Các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp… cũng sẽ đưa ra kiến giải nhằm tháo gỡ nút thắt cho việc khai thác tiềm năng cây dược liệu ở nước ta…
Giữa những cánh rừng đặc dụng trên "cổng trời" vùng cao xã An Toàn (An Lão, Bình Định) xuất hiện rừng cây dược liệu xanh bát ngát, mở ra hướng làm ăn mới cho người đồng bào thiểu số xã vùng cao…
Cái nắng xuân xé toạc màn sương mù dày đặc phủ kín đại ngàn, đánh thức những vườn cây ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm… được trồng dưới tán rừng đặc dụng nằm trên độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển thuộc xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định).
Rừng dược liệu An Toàn bước ra khỏi giấc ngủ đông, bừng lên sắc xanh hòa vào màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Để chinh phục thị trường nam dược, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã tự gầy dựng cho riêng mình vùng dược liệu tại “cổng trời” An Toàn với diện tích hơn 75 ha nhằm tránh phụ thuộc vào nguyên liệu thu hái tự nhiên hoặc nhập khẩu.
Bởi theo đánh giá nguồn dược liệu của Bidiphar, hàm lượng dược chất trong cây dược liệu tại Bình Định cao hơn 5-7% so với dược điển. Thế nhưng trong thời gian qua, tình trạng khai thác tận diệt đã khiến nguồn dược liệu trong tự nhiên ở Bình Định cạn kiệt.
Vùng dược liệu do Bidiphar gầy dựng nằm trong khuôn khổ dự án trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu” (GACP-WHO) để làm nguyên liệu sản xuất thuốc nam dược.
Trong 20 loại dược liệu bản địa và di thực, Bidiphar đã khảo nghiệm và xác định được có 12 loại dược liệu phù hợp để trồng trong những cánh rừng đặc dụng An Toàn.
Theo Dược sĩ Chuyện khoa I Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban Quản lý Dự án trồng dược liệu sạch của Bidiphar, 4 loài bản địa được xác định bước đầu là chè dây, lan kim tuyến, cây bảy lá một hoa và bách bộ.
Còn 8 loài di thực là đương quy, đảng sâm, ba kích, hà thủ ô, đan sâm, xạ đen, cát cánh và thiên môn đông. Để hình thành vùng cây dược liệu, Bidiphar đã thực hiện đồng bộ từ tạo giống đến các mô hình trồng thử nghiệm.
“Hiện đã có một số quy trình nuôi cấy mô thành công đối với các loại cây dược liệu, gồm: Ba kích, đảng sâm, đan sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến… Ngoài ra, chúng tôi còn có quy trình nhân giống bằng giâm cành cho cây chè dây, ngũ vị tử, kim ngân hoa và nhân giống từ hạt cho cây đương quy, đảng sâm...”, Dược sĩ Thiệp cho hay.
Hiện, dưới tán rừng đặc dụng An Toàn đã xuất hiện “rừng” dược liệu gồm hơn 12 sào (500 m2/sào) dây thìa canh, 2 sào đinh lăng, 2 sào chè dây, 6 sào cà gai leo, 8 sào đương quy, 2 sào đan sâm. Nhiều nhất là các loại dược liệu lâu năm như: Ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm…, mỗi loại đã được trồng trên 10 sào. Ngoài ra, tại vùng dược liệu An Toàn còn xuất hiện nhiều diện tích cây kim ngân hoa, ngũ vị tử, thảo quả…
Hiện 4 loại dược liệu do Bidiphar trồng đã đạt chứng nhận GACP-WHO, gồm: Đương quy, chè dây, thìa canh và cà gai leo. Tính đến nay, Bidiphar đã có trên 10 sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng sản xuất từ dược liệu đã được Bộ Y tế cấp phép, lưu hành trên thị trường; trong đó các sản phẩm Dưỡng can BIDIPHAR và Hebamic được sản xuất bằng nguồn dược liệu sạch từ vườn dược liệu được trồng tại “cổng trời” An Toàn.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar, khẳng định: Việc công ty trồng dược liệu thuần tự nhiên là để có nguyên liệu tốt. Do đó, công ty tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác không sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc BVTV cũng như chất bảo quản.
Khi cây có bệnh, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cứu chỉnh bằng phương pháp canh tác, chỉ trường hợp xấu nhất mới dùng thuốc sinh học. Bên cạnh đó, công ty không ngừng dồn nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu...
Sinh kế mới của đồng bào vùng cao
Thăm vùng cây dược liệu của Bidiphar tại An Toàn mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã không giấu được vui mừng khi “rừng dược liệu” này không những giúp cho Bidiphar chủ động được nguyên liệu trong sản xuất nam dược, mà còn mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện An Lão, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Hiện Bidiphar đã có quy trình sản xuất khép kín cây dược liệu và có đầu ra ổn định. Đây là tiền đề để công ty triển khai nhân rộng dự án. Đến lúc ấy, trồng cây dược liệu sẽ là hướng làm ăn mới của đồng bào xã vùng cao An Toàn.
"UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ về cơ chế chính sách để phát triển nơi đây trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất các giống dược liệu của tỉnh”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, khí hậu và điều kiện tự nhiên tại An Toàn giúp cho các loại cây dược liệu “tích” được nhiều hoạt chất quý, đây là điều kiện tiên quyết khi nhà sản xuất muốn có các loại thuốc nam dược và thực phẩm chức năng chất lượng.
Địa hình đặc thù của xã An Toàn có độ cao phổ biến từ 700-1.000 m so với mặt nước biển. Diện tích đất nông nghiệp ở đây chiếm quá nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên, chỉ 0,7%. Đồng bào dân tộc thiểu số ở An Toàn chủ yếu canh tác lúa nước, lúa nương và làm rẫy bắp, rẫy mì.
Xã vùng cao An Toàn có đặc điểm đất nông nghiệp đã ít, lại canh tác trên đất có độ dốc cao và phụ thuộc nước trời nên năng suất cho kém, mùa vụ bấp bênh. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn lắm cơ cực. Trong khi đó, An Toàn có quỹ đất rất lớn với hơn 2.000 ha đất lâm nghiệp, có thể trồng các loài cây phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQL Rừng đặc dụng An Toàn, thời tiết khí hậu ở đây có đặc điểm là vùng chuyển tiếp khí hậu Nam Trung bộ và Tây Nguyên, biên độ ngày và đêm thấp, độ ẩm không khí cao ổn định.
Đặc biệt, tại vùng rừng núi An Toàn có một số loài cây bản địa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm đất đai và thời tiết khí hậu của địa phương để trồng các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao, ví như các loại cây dược liệu bản địa, sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân...
Trước thực tế trên, dự án trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Bidiphar triển khai tại An Toàn là hướng sinh kế mới cho người dân ở đây.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR tâm tư: Làm sao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững với cây dược liệu, nhằm tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số là một trong ba mục tiêu của Bidiphar khi thực hiện dự án trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
“Nông dân trồng dược liệu bảo đảm đầu ra, doanh nghiệp bảo đảm đầu vào cho sản xuất nam dược thì còn gì bằng”, bà Hương chia sẻ.
An Toàn sẽ là thủ phủ cây dược liệu không còn là viễn cảnh xa vời. Bởi, vào tháng 10/2020, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Bidiphar đã phối hợp UBND huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão khởi động chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số xã An Toàn.
Dự án chuyển giao kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, triển khai trong 30 tháng, với mục tiêu nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc tại địa phương về bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa gắn với chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái, bảo tồn chè dây bản địa theo GACP-WHO; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chè dây bền vững, hiệu quả giữa người dân An Toàn với Bidiphar.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai đầu tư phần diện tích còn lại trong 76 ha của dự án phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tại An Toàn; tiến hành khảo sát nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm thuốc nam dược, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe theo hướng sử dụng nguồn dược liệu tại địa phương.
Trong năm 2021, chúng tôi tiếp tục đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất từ khâu sơ chế, chế biến đến hệ thống chiết suất, cô cao, sấy khô và dây chuyền sản xuất sản phẩm ngay tại An Toàn”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR cho biết.
https://nongnghiep.vn/coi-troi-cay-duoc-lieu-d289190.html
Theo Vũ Đình Thung - Lê Khánh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã