Phá bỏ toàn bộ diện tích chè kinh doanh để chuyên canh ươm chè giống, hàng năm gia đình anh Nguyễn Văn Bằng, 30 tuổi, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ cung cấp trên dưới 6 triệu cây giống chè cho nhiều vùng chè của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Huyện Đại Từ có diện tích chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với 6.300 ha. Xác định chè là cây trồng trọng điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, quảng bá sản phẩm, từng bước nâng tầm thương hiệu chè. Trong đó, giải pháp hiệu quả nổi bật là khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, đồng thời, thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Từ năm 2016 đến nay, ngân sách huyện đã hỗ trợ trên 16 tỷ đồng để cấp giống chè trồng mới, trồng thay thế và xây dựng các mô hình sản xuất chè VietGAP, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, một số hộ thay vì phát triển vườn chè sản xuất, đã đầu tư vườn ươm, đáp ứng nhu cầu về cây giống chè, giúp địa phương chủ động hơn trong việc chuyển đổi sang trồng chè giống mới.
Không chỉ vào hàng "khủng" tại xã Hoàng Nông, vườn chè giống của ba cha con anh Bằng khoảng 1 ha, còn là vườn có quy mô vào hàng lớn nhất của huyện Đại Từ.
Anh Bằng tâm sự, trước đây nhà anh cũng làm chè kinh doanh, năm 2005, bố anh là một trong các hộ thử nghiệm làm vườm ươm đầu tiên của xã. Vẫn chủ yếu làm chè búp là chính, đến năm 2017 cả ba bố con mới chuyển đổi hoàn toàn sang làm chè giống.
"Thật lòng mà nói thanh niên giờ không muốn làm nông nghiệp, năm 2010 tôi đi lính về cũng tính đi học nghề rồi đi công ty. Nhưng sau một thời gian phụ giúp bố mẹ làm chè, đặc biệt là chè giống, tôi thấy có thể tự làm và làm tốt hơn nên đã quyết định gắn bó.
Năm 2013, bố mẹ chia tài sản cho tôi 4,5 sào chè hái, năm nào được mùa được giá thu lãi khoảng 100 triệu đồng, làm chè giống lãi gấp đôi, gấp ba mà ổn định hơn, không lo mất mùa. Thấy tôi làm được, bố mẹ bèn phá bỏ toàn bộ chè kinh doanh để ba bố con cùng làm chè giống trên tổng diện tích 1 ha", anh Bằng chia sẻ.
So với làm chè sản xuất, chè giống đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn, phải cẩn thận từng khâu. Như vườn chè 4,5 sào của Bằng, đầu tư ban đầu là chi 40 triệu đồng làm giàn lưới, độ cao từ 2,2 - 2,5m, lưới có độ bền từ 2-3 năm. Bằng là mua đất đỏ pha cát có độ xốp cao bên La Bằng, mỗi năm phải mua đến vài trăm xe, về cho vào bầu. Hom giống thì mua tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, mang về cắm vào bầu. Tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để vào hom, 7 tháng sau thì cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Tỷ lệ giống chất lượng đạt trên 80%. Chè giống đưa đi các vườn đảm bảo sống 100%, rất ít cây hư hỏng đều do quá trình vận chuyển. Cây cấp cho các vườn đều được bảo hành.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, 55 tuổi, bố của Bằng chia sẻ: "Tôi là thế hệ đầu tiên làm chè giống tại xã nhà, phải đi học tập kinh nghiệm tại các mô hình trong huyện, trong tỉnh rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy là ban đầu hướng dẫn cho con làm theo, kiểu cầm tay chỉ việc, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nó quay lại dạy mình. Như trước đây tôi làm theo thói quen cũ tưới nước bằng tau, phun thuốc bằng tay, từ khi nó đưa giàn tưới tự động, phun thuốc tự động vào rõ ràng hiệu quả hơn hẳn. Đặc biệt là chè giống rất dễ bị nhiễm nấm, nên rất cần có kiến thức khoa học kỹ thuật".
Nguyễn Văn Bằng tự hào cho biết, gia đình anh đã thực hiện chuyên nghiệp hóa việc cung cấp cây giống chè cho cả huyện nên đã đầu tư mua xe tải chuyên chở, đào tạo người làm có tay nghề đảm bảo giao cây giống chất lượng tốt đến tận vườn cho bà con. Hiện gia đình anh có 3 vườn giống của ba bố con, thường xuyên có hơn 10 lao động giúp việc là bà con trong xóm, thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các giống chè chủ lực của địa phương như: Phúc Vân Tiên, LDP1, Keo Am Tích, Kim Tuyên, TRI 777... Bằng còn liên kết với Viện chè đưa vào thử nghiệm một số giống chè mới chất lượng tốt giới thiệu cho các hộ trồng chè và được người dân đánh giá cao. Không chỉ cung cấp cây giống cho các vùng chè trên địa bàn huyện, anh còn xuất bán đi các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu... Giá cây năm 2019 trên 1.000 đồng/cây, năm nay từ 600 - 700 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện có 20% diện tích chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 30% sản lượng là chè xanh đặc sản chất lượng cao được sản xuất, chế biến trên thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu; xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Đại Từ”…
Chính vì vậy, các vườn ươm tại chính vùng chè đã góp phần đáp ứng nhu cầu giống cho người dân, giảm chi phí đầu tư, giúp các hộ làm chè chủ động hơn trong việc trồng mới và thay thế vườn chè. Vườn ươm của gia đình anh Nguyễn Văn Bằng là mô hình làm kinh tế rất hiệu quả từ cây chè, đồng thời cung cấp cây giống chè chất lượng cho các hộ sản xuất trên địa bàn.
Không chỉ là tấm gương thanh niên sản xuất giỏi của xã, "trùm" chè giống Nguyễn Văn Bằng còn luôn gương mẫu tích cực tham gia các phong trào thanh thiếu niên tại địa phương, là “thủ lĩnh” của tuổi trẻ, được bà con quý mến.
Theo Đồng Văn Thưởng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã