Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu tiêu dùng của con người cũng cao hơn và đòi hỏi sản phẩm phải an toàn cho sức khỏe. Sự ra đời của sản phẩm rau sạch đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và nhanh chóng có được thị trường tiêu thụ ổn định đem lại lợi nhuận tốt cho người trồng.
Thu hoạch rau tại vườn của gia đình chị Xứng. Nhân công thu hoạch rau kết hợp với nhổ cỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học.
Vào Nam lập nghiệp từ năm 1997 trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, cuối cùng chị Lưu Thị Xứng (quê tỉnh Hải Dương) chọn việc trồng rau sạch và xem đó là sự nghiệp làm ăn lâu dài của mình. Hiện tại chị đang có 4.500m2 vườn rau sạch ở phường Tân Bình, thị xã Dĩ An sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tự nhiên cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoảng chi phí chăm sóc.
Chị Xứng cho biết từng là nhân viên tư vấn bảo hiểm từ năm 2003 đến năm 2013 thì nghỉ và chuyển sang làm tiếp thị cho công ty phân bón. Tại đây chị được huấn luyện nhiều kiến thức về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo chị cách làm truyền thống của nông dân ta rất lạc hậu không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân là do nông dân ta phần lớn không có kiến thức làm nông nghiệp sạch, sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học một cách “vô tội vạ” gây hại cho đất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và giá trị sản phẩm thấp.
Từ sự hiểu biết đó kết hợp với sự tìm tòi về cách làm nông nghiệp của các nước phát triển trên thế giới và nhận thấy các mô hình nông nghiệp của nhiều nước tiên tiến như Thái Lan cho năng suất cao, an toàn cho sức khỏe. Rồi chị ấp ủ suy nghĩ thực hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới hiện đại.
Năm 2016 chị bắt đầu thuê đất trồng rau (tại khu phố Tân Phú 1 – phường Tân Bình, thị xã Dĩ An) với diện tích ban đầu là 2.000m2 áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ tự nhiên không phân hóa học, không chất bảo quản, không chất biến đổi gen, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Nhờ đó khi cung cấp ra thị trường rau của chị đã nhanh chóng được nhiều người biết đến. Hiện tại, mỗi ngày chị cung cấp khoảng 200kg rau cho các mối với giá cả ổn định là 15.000 đồng/kg trong khi giá rau của nông dân sản xuất theo cách truyền thống chỉ có 7.000 đồng/kg. Theo tính toán của chị với thu nhập như hiện tại thì sau 2 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư nhà lưới hiện đại là 1,2 tỷ đồng.
Chị tâm sự lúc đầu gặp khó khăn nhất là không có mối tiêu thụ rau làm ra. Năm 2016, khi thời tiết bất lợi do trời mưa làm các vườn rau bị hư hại nặng thì vườn rau của chị vẫn phát triển tốt. Từ đó các mối mang tự tìm đến lấy sản phẩm của chị ngày một tăng lên đến bây giờ chị không có đủ rau để cung cấp cho mối của mình. Theo chị để có được đầu mối tiêu thụ tốt như hiện tại là nhờ tạo được uy tín sản phẩm làm ra an toàn cho sức khỏe, rau có mùi vị đậm đà, ngon ngọt hơn.
Hiện nay người tiêu dùng ngày càng khó và thông minh hơn nên việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe là điều rất quan trọng để phát triển kinh tế. Nói cách khác nông dân muốn phát triển được, cạnh tranh với thị trường và vươn xa hơn nữa ở các thị trường khó tính thì họ cần thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu thay vào đó là áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt và có giá trị kinh tế cao. Sản xuất rau sạch đã và đang trở thành hướng làm giàu đầy triển vọng cho nhà nông.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã