Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành OCOP Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ cuối năm 2013, thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng.
Thông qua đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.
Chương trình OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ sản xuất - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đã có 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP, trong đó có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.
Nhiều sản phẩm trong số này phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ. Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, các sản phẩm đều đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn.
Không chỉ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp của chương trình thể hiện cả ở việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website theo hướng hiện đại. Nhãn hiệu OCOP đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời, in ấn đồng bộ trên tất cả các sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nêu ra 2 mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức SXKD các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Với sự quyết liệt thể hiện từ chỉ đạo và giám sát của người đứng đầu địa phương đến các cấp thực hiện, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, khơi dậy được sức mạnh của doanh nghiệp và ý chí, ham muốn sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng của người dân.
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh triển khai hơn 3 năm qua, từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ở khu vực nông thôn, đô thị, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Công Thành/baophapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã