Những mô hình hiệu quả |
Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó mở ra hướng sản xuất mới với thu nhập cao cho nông dân. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 35 ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có 14,6 ha được cấp chứng nhận hữu cơ với sản phẩm chủ yếu là rau và cây ăn quả có múi. Điển hình như mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn với diện tích 17 ha có 13 nhóm nông dân tham gia, trong đó có 6,6 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ và 10,4 ha chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hình thức quản lý sản xuất chủ yếu là bố trí cơ cấu các nhóm rau, quản lý vật tư đầu vào, kiểm tra đánh giá nội bộ, kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra. Qua đánh giá, những diện tích đã được cấp chứng nhận hữu cơ năng suất bình quân đạt từ 200 đến 250 tạ/ha/năm, thu nhập đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, với 6,6 ha được cấp chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 160 tấn rau, thu nhập khoảng hơn hai tỷ đồng. Trong đó, chủng loại rau chủ yếu là muống, cải, ngót, dền, mùng tơi, bí, mướp, dưa chuột, đậu đỗ…”. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng vào công tác tập huấn, đào tạo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các học viên là nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai mô hình với hình thức học lý thuyết kết hợp thực hành ngay trên đồng ruộng. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là tham gia các gian hàng hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm rau hữu cơ, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tại TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2008 đến 2012 được sự hỗ trợ của tổ chức ADDA (Đan Mạch) và hướng dẫn của Ban điều phối PGS Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đã triển khai sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ của xã Thanh Xuân vào khoảng 34 ha được tổ chức sản xuất theo hai hình thức là sản xuất làm tập trung theo nhóm, trong đó các thành viên trong nhóm cùng làm, chấm công, chia đều lợi nhuận kinh tế. Để tiêu thụ rau hữu cơ cho nông dân, đến nay trên địa bàn Hà Nội đã hình thành 29 chuỗi với 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý bán rau hữu cơ. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các siêu thị, công ty, cửa hàng bán rau an toàn theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 đến 50 tấn sản phẩm. Đặc biệt, các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn với giá thu mua ổn định trung bình 15.000 đồng/kg rau, củ, quả các loại, bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất trừ chi phí có mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Hướng đi tất yếu Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta đang từng bước phát triển. Hiện nay, đã có 30 tỉnh, thành phố triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 43.000 ha, tập trung tại TP Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, tỉnh Bến Tre có hơn 3.000 ha trồng dừa, Ninh Thuận 448 ha trồng nho, táo, rau… Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Mặc dù vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ bởi quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, thị trường chưa ổn định. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng cho sản phẩm hữu cơ cũng là nguyên nhân chưa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển. Hơn nữa, quy mô diện tích lớn để hình thành nền nông nghiệp hữu cơ khá khó khăn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết: Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa đồng đều. Sản phẩm bán ra với giá còn thấp do khâu sơ chế của các cơ sở còn thiếu; việc sản xuất hữu cơ chủ yếu vẫn do các hộ gia đình thực hiện nhưng việc ký hợp đồng, thu mua sản phẩm lại do đại diện các cơ sở ký kết về giá cả, thời gian thu mua, số lượng, chủng loại. Hơn nữa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng hữu cơ ở các địa bàn vùng sâu, xa. Các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất rau hữu cơ hiện nay còn ít, nhất là các mô hình sản xuất theo chuỗi. Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Do nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất việc chuyển từ nền sản xuất khai thác tài nguyên sang nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi tất yếu thời gian tới. Chính vì vậy, cần sớm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản, tạo động lực trong tổ chức lại và thúc đẩy sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận và đội ngũ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, về lâu dài các bộ, ngành và địa phương cũng cần phải quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc thanh tra, giám sát việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Từ đó bảo đảm lợi ích của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện chính sách để người sản xuất nông nghiệp hữu cơ dễ áp dụng thực tế hơn nữa. Đồng thời, cần có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất hữu cơ. Theo Bảo Nguyên/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã