16% nguyên liệu kháng sinh bán sai đối tượng
Cần ngăn chặn, xử lý dứt điểm lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, kiểm soát việc chủ động sử dụng kháng sinh chỉ đóng một vai trò rất nhỏ.Bên cạnh việc sử dụng thuốc trực tiếp trên người, việc bị động đưa kháng sinh vào cơ thể qua thức ăn mà cụ thể là thịt động vật là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.
Nguy hiểm là vậy nhưng tình trạng người dân sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đang ở mức báo động, việc nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh khó kiểm soát.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, hoạt động thanh tra, kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, kinh doanh sai mục đích nguyên liệu kháng sinh và sản xuất trái phép thuốc kháng sinh, sử dụng nguyên liệu kháng sinh không đúng quy định của người chăn nuôi chủ yếu do Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Thú y và các cục: C49, C46, A86 - Bộ Công an tiến hành. Các địa phương chưa tham gia vào hoạt động này do đây là hoạt động phức tạp.
Cụ thể, năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh bán sai đối tượng. Trung bình có khoảng 16% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu đã bị bán sai đối tượng, các đối tượng này mua về để sử dụng nguyên liệu kháng sinh sai mục đích (bán lại hoặc đưa vào Premix nhưng không ghi thành phần kháng sinh trên bao bì). Đối với các công ty thương mại thì tỷ lệ vi phạm là 22%. Thanh tra Bộ đã tiến hành xử lý nghiêm đối với các công ty nhập khẩu có hành vi vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.
Về truy xuất và xử lý các công ty có hành vi vi phạm về kháng sinh và thuốc thú y, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh. Đã tiến hành xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,6 tỷ đồng. Củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản… nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP.Hồ Chí Minh chuyển cho địa phương xử lý. Lập 3 đoàn thanh tra đột xuất (phối hợp A86, C46 và C49 - Bộ Công an) phát hiện 3 công ty sản xuất kháng sinh không phép với 17 mặt hàng, xử phạt 425 triệu đồng và buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm. Cục Thú y đã phát hiện vi phạm và xử lý đối với 3 công ty vi phạm về kinh doanh nguyên liệu kháng sinh bán sai đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 49,5 triệu đồng.
Theo ông Dũng, những hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là, nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh và bán cho những tổ chức, cá nhân không có chức năng sản xuất thuốc thú y, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh (bán sai đối tượng). Các công ty được Cục Thú y cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu và bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho nuôi trông thủy sản. Đoàn thanh tra xác định, đây là con đường đi của kháng sinh cấm Enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản.
Vi phạm thứ hai là, các công ty mua nguyên liệu kháng sinh về sử dụng không đúng mục đích. Nguyên liệu kháng sinh được các công ty mua về và bổ sung vào các sản phẩm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản (khoáng tạt, chất xử lý môi trường). Các công ty chưa đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, mua nguyên liệu kháng sinh về sản xuất trái phép các sản phẩm thuốc thú y. Những sản phẩm thuốc thú y này là ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng và thường được tiếp thị thẳng xuống các trang trại, dùng không liều lượng, bị lạm dụng nhiều.
Các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất TACN. Các nhà máy này bổ sung kháng sinh vào các sản phẩm TACN nhưng không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh (đây là một yếu tố gây rất nhiều hệ lụy dẫn tới nhờn kháng sinh).
Các hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi (đặc biệt là kháng sinh cấm Enrofloxacin). Đáng báo động là, hành vi này diễn ra phổ biến trong nuôi trồng thủy sản.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Ông Dũng cho biết, hiện tại đã cơ bản kiểm soát được hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh. Tuy nhiên, để từng bước hạn chế việc lạm dụng kháng sinh, theo ông Dũng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra; phát huy đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đây là một kênh rất quan trọng phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành hiệu quả và thực tế. Có phương thức thanh, kiểm tra phù hợp từ khâu nhập, kinh doanh và sử dụng
Cục Thú y tổ chức, chỉ đạo và giám sát các đơn vị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ký ban hành. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y được phép sử dụng trong chăn nuôi nhưng cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản tổ chức truy xuất nguồn gốc nguyên nhân gây tồn dư hoá chất, kháng sinh đối với các lô hàng bị các thị trường cảnh báo; cung cấp thông tin chính xác tên, địa chỉ các cơ sở cung cấp, bán kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y ngoài danh mục cho Cục Thú y làm căn cứ kiểm tra và xử lý vi phạm.
Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc trị bệnh cho ngành y tế, đặc biệt các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu về được sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với Bộ Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và các loại bị lạm dụng nhiều trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.
Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã