Hiện toàn tỉnh đã xuống giống hơn 194.000ha diện tích lúa ĐX, đạt 94,2% kế hoạch, trong đó số diện tích lúa đang ở giai đoạn mạ là 19.415ha; đẻ nhánh 52.828ha; làm đòng 44.393ha; trổ chín 61.962ha. Bên cạnh đó, một số diện tích lúa ĐX sớm đã cho thu hoạch khoảng 15.000 ha, năng suất bình quân 4,86 tấn/ha.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp nên một phần các diện tích lúa ĐX cũng bị nhiễm bệnh nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Trong đó, số diện tích nhiễm rầy nâu nhẹ là 1.863ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ chín, mật số rầy 500 – 1.500 con/m2, gây hại phổ biến tuổi 3 – 4, giảm 2.522ha so với tuần trước do nông dân đã chủ động phòng trừ; số diện tích nhiễm muỗi hành là 429ha trên lúa đẻ nhánh, trong đó có 55ha nhiễm trung bình với tỷ lệ 10 – 20%, còn lại nhiễm nhẹ; bệnh đạo ôn lá có số diện tích nhiễm 3.973ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ chín, trong đó có 55ha nhiễm trung bình với tỷ lệ bệnh 10 – 20%, giảm 797ha so với tuần trước.
Bệnh cháy bìa lá có số diện tích nhiễm là 279ha, trong đó có 20ha nhiễm nặng với tỷ lệ bệnh hơn 40 - 50%, nhiễm trung bình 40ha, còn lại nhiễm nhẹ, giảm 61ha so với tuần trước. Ngoài ra, các đối tượng như: bù lạch, sâu cuốn lá, chuột, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt... xuất hiện và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cho biết: “Vụ ĐX này tôi trồng 7 công lúa, nay được 40 ngày tuổi, còn nửa tháng là trổ bông. Năm nay thời tiết mưa nắng thất thường, nên tôi phải đi thăm lúa mỗi ngày và thường xuyên theo dõi dự báo sâu bệnh của ngành nông nghiệp, nghe thông tin trên báo, đài để phòng trị kịp thời. Trời lạnh, lúa dễ bị vàng lá, đốm vằn, đạo ôn lá, nếu ruộng nào bón dư đạm dễ bị sâu cuốn lá...”.
Để phòng trừ dịch bệnh gây hại lúa ĐX, theo Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, với những diện tích lúa thu đông đã thu hoạch xong, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, phun nấm Trichoderma rồi tiến hành cày vùi trục trạc, nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi kỹ mật số rầy trên ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ để có biện pháp xử lý hiệu quả, hạn chế rầy tích lũy mật số giai đoạn trổ chín, nếu mật số rầy thấp thì không cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và lợi nhuận. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch.
Đối với các diện tích đã bị nhiễm muỗi hành, nông dân cần tiếp tục chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng để lúa mau phục hồi, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ vì không hiệu quả, cần phát hiện sớm bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, thối thân lúa để xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị.
Theo Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã