Giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa
Chăm sóc bê nghé: Bê, nghé đẻ ra sau khi được bóc móng, lau khô mình (hoặc để trâu bò mẹ liếm), cắt rốn... đưa vào ổ rơm, không được để bê, nghé bị lạnh. Cho bê, nghé bú sữa đầu càng sớm càng tốt vì sữa đầu có nhiều protein, vitamin và khoáng chất nhiều hơn sữa thường. Đặc biệt trong sữa đầu có kháng thể giúp bê, nghé con nâng cao sức đề kháng với bệnh tật.
Thức ăn cho bê, nghé phải sạch sẽ, chất lượng tốt. Thức ăn thô là cỏ khô ngon, cỏ tươi phơi tái; thức ăn tinh là các loại thức ăn có độ ngon miệng cao như cám gạo, bắp xay, cám tổng hợp, khô dầu đậu tương... có tỷ lệ protein 16 - 18%. Do lượng sữa của trâu, bò mẹ giảm dần theo các tháng sau khi đẻ, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của bê, nghé ngày một tăng nên cần tập cho bê, nghé ăn sớm. Từ 2 tuần tuổi tập cho bê, nghé ăn thức ăn tinh, bắt đầu từ 3 tuần tuổi tập cho bê, nghé ăn thức ăn thô. Đảm bảo cung cấp đủ nước uống sạch cho bê, nghé. Thời gian đầu nên cho bê, nghé vận động trên sân chơi ở chuồng nuôi. Hàng ngày chăn thả bê, nghé tự do trên bãi chăn. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo, ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, diện tích khoảng 1,2 - 1,4 m2/con. Thường xuyên dọn vệ sinh và thay lót chuồng, trước khi cai sữa cần tẩy giun sán cho bê, nghé.
Chăm sóc trâu bò mẹ: Giai đoạn bú sữa, bê, nghé sử dụng sữa mẹ là chính nên cần chăm sóc và nuôi dưỡng tốt trâu, bò mẹ để có đủ lượng sữa cung cấp cho bê, nghé hàng ngày. Thời điểm này, nên nuôi kết hợp chăn thả trâu, bò mẹ ngoài đồng bãi với việc bổ sung thức ăn tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao tại chuồng. Cho trâu, bò mẹ ăn tự do các loại thức ăn xanh (cỏ tươi, thân cây ngô non...), cỏ khô loại tốt và cho bê, nghé bú mẹ tự do.
Cho bê, nghé bú sữa đầu càng sớm càng tốt
Chăm sóc nuôi dưỡng trâu, bò cái tơ
Sau khi cai sữa, chọn những bê, nghé cái tốt nhất để làm giống và nuôi tách riêng, gọi là thời kỳ nuôi hậu bị. Thời kỳ này kéo dài từ lúc bê, nghé cai sữa cho đến lúc phối giống có chửa và được chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 7 - 12 tháng tuổi: Đây là giai đoạn bê, nghé dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng dinh dưỡng vì lượng sữa bị cắt hoàn toàn, chuyển sang thức ăn thô xanh là chính, vì vậy dễ bị còi cọc, chậm lớn, bệnh tật, ảnh hưởng đến tuổi thành thục tính dục và khả năng sinh sản của chúng sau này. Trong giai đoạn này, ngoài thời gian chăn thả trên bãi chăn, về chuồng cần cho bê, nghé ăn tự do thức ăn thô chất lượng tốt, bổ sung thêm thức ăn tinh có đủ các chất dinh dưỡng như protein, khoáng và vitamin,...
+ Giai đoạn 13 - 24 tháng tuổi: Giai đoạn này bê, nghé đã sử dụng tốt thức ăn thô xanh, khả năng thu nhận thức ăn tốt. Ngoài việc chăn thả, cần bổ sung cho bê, nghé thức ăn ủ xanh, cỏ khô, rơm ủ urê 4% và các phụ phẩm nông - công nghiệp khác. Dựa vào nhu cầu tăng trọng của bê, nghé và khả năng thu nhận thức ăn trên đồng cỏ mà quy định số lượng thức ăn bổ sung tại chuồng nuôi.
Nuôi dưỡng bê, nghé từ sau cai sữa đến giết mổ
Những bê, nghé đực, bê, nghé cái không để làm giống, sau khi cai sữa đưa vào nuôi lấy thịt. Trong thời kỳ nuôi lớn, tốt nhất là nuôi dưỡng theo phương thức chăn thả kết hợp với cho ăn tại chuồng bằng các phế phụ phẩm nông - công nghiệp như rơm ủ urê, cây ngô sau khi thu bắp, các loại bầu bí, khô dầu, bã dứa, hạt bông....
Thời kỳ này cũng được chia làm 2 giai đoạn như nuôi bê, nghé cái hậu bị. Có thể áp dụng khẩu phần ở bảng sau để nuôi trâu bò giai đoạn này.
Nuôi dưỡng trâu, bò cái sinh sản
Thức ăn cho trâu bò có chửa cũng như nuôi con chủ yếu là thức ăn thô xanh, gồm phần cỏ ăn được trên bãi chăn và thức ăn bổ sung thêm tại chuồng nuôi. Tùy theo mùa vụ, chất lượng cỏ của bãi chăn, trung bình mỗi ngày trâu bò chỉ ăn được trên bãi chăn khoảng 10 kg cỏ tươi, phần còn lại cần phải được bổ sung tại chuồng.
Khẩu phần cho trâu, bò cái sinh sản:
- Cỏ xanh cho ăn tại chuồng: 10 - 20 kg.
- Bột sắn hoặc cám gạo: 1 - 2 kg.
- Khô dầu lạc: 0,2 - 0,3 kg (Khi trâu, bò có chửa, nuôi con nên thay thế bằng bột cá).
- Khoáng, vitamin: 20 - 30 g.
- Chăn thả: 7 - 8 giờ/ngày.
>> Trong giai đoạn nuôi vỗ béo, cần tăng dần khẩu phần thức ăn tinh giàu năng lượng, đồng thời hạn chế trâu, bò vận động nhất là vào cuối giai đoạn. Trước khi đưa vào vỗ béo, trâu, bò cần được diệt ngoại ký sinh trùng (nếu có); tẩy giun sán, đồng thời phải tập cho trâu, bò ăn khẩu phần vỗ béo để quen dần, tránh bị rối loạn tiêu hóa. |
Theo Minh Phương/Trang thông tin điện tử tổng hợp www.nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã