Đầu năm 2017, HTX RAT xã Long Thuận liên tiếp ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ rau sạch với 7 đơn vị trong và ngoài tỉnh là các cửa hàng, công ty và quầy cung cấp RAT ở huyện Thanh Bình, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) và huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), với sản lượng gần 2 tấn rau, củ an toàn/tháng.
Tuy nhiên, do khó khăn trong khâu vận chuyển và bảo quản trên đường tiêu thụ (HTX chủ yếu vận chuyển thô sơ, đóng thùng và gửi xe), khiến rau củ giảm chất lượng và héo khi đến tay các đơn vị, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các đơn vị cắt hợp đồng sau 1 tháng kí kết.
HTX cho biết, theo yêu cầu từ phía đối tác, HTX phải có cơ chế bảo quản đông lạnh nhằm đảm bảo nguồn rau tươi sống khi tiếp nhận. Nhưng thông thường, rau được thu hoạch trước 1 ngày, HTX bảo quản qua đêm, cộng thêm thời gian vận chuyển đã ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc của rau củ, đây cũng là hạn chế rất lớn và là rào cản khiến rau sạch của HTX khó tiếp cận thị trường. Ông Dương Minh Sang - Phó Giám đốc HTX RAT Long Thuận cho biết: “Hiện nay, HTX đang lo lắng và cố gắng giới thiệu thương lái để tiêu thụ rau cho bà con”.
Là hộ dân tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới, anh Đỗ Thanh Sĩ ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận đã cơ bản áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất sạch, cung ứng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên ngay khi hợp đồng liên kết bị phá vỡ, sản phẩm sau thu hoạch của anh cũng lâm vào tình cảnh được mùa mất giá như rau thông thường, ước thiệt hại mỗi ngày cho trên 3.000m2 đất sản xuất của anh là từ 5 - 10 triệu đồng.
Theo HTX, hiện tại rau sạch chỉ tiêu thụ tại địa phương nên cung vượt cầu, dẫn đến các mặt hàng rau củ trên địa bàn giảm bình quân vài ngàn đồng/kg tùy theo mặt hàng, các loại hành lá, ngò rí... giảm trên 10.000 đồng/kg. Anh Lê Bảo Toại ở xã Long Thuận cho biết: “Tôi ăn ngủ không yên, đang tìm hướng giải quyết đồng thời cũng mong chính quyền hỗ trợ tiếp”.
Ông Dương Minh Sang cho biết thêm: “Hiện đã có 3/7 hợp đồng của HTX bị cắt. Cái khó là do bảo quản không tốt, rau đến nơi tiêu thụ bị héo làm chất lượng rau giảm. Hướng tới, HTX đề xuất cấp trên hỗ trợ củng cố lại HTX, thành lập Tổ sản xuất, Tổ vận chyển và thu gom sản phẩm để tăng chất lượng nông sản. Trước mắt để tiếp tục hợp đồng, HTX sẽ sắp xếp thời gian thu hoạch hợp lý, đóng bao bì khi vận chuyển xa, tăng cường vận chuyển bằng xe đông lạnh”.
Được biết, huyện Hồng Ngự đã quy hoạch vùng sản xuất RAT ở xã Long Thuận với diện tích 160ha của 570 hộ nông dân và đầu tư kiên cố hóa đường nước, hệ thống phun tưới tự động, hướng đến chất lượng nông sản làm ra đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Song hiện tại đầu ra nông sản bấp bênh, bà con nông dân cũng như HTX vẫn còn loay hoay trong điệp khúc “được mùa mất giá”, phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Nguồn: baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã