Tiến bộ KH&CN đóng góp 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) năm 2016, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành duy trì sản xuất và phát triển trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt nhưng xuất khẩu vẫn tăng cao, tăng trưởng ngành được phục hồi.
KH&CN là động lực giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng khi tỉ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, KH&CN đã tham gia vào hầu hết các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp góp phần không nhỏ việc tăng năng suất và chất lượng nông sản. Các kết quả KH&CN đã ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại. Từ chỗ ngành nông nghiệp nhập khẩu khoảng 70% giống cây trồng, vật nuôi thì nay chỉ còn nhập dưới 30%.
“Các kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD. Thành tựu này có vai trò quyết định của KH&CN khi 5 năm qua, năng suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha lên 57,7 tạ/ha, đưa Việt Nam thành nước có năng suất đứng đầu khu vực. Hiện nay, trên 90% diện tích được gieo trồng bằng các giống lúa mới hoặc được cải tiến với năng suất tăng từ 10-15% và có nhiều giống có đặc tính kháng sâu bệnh chính như rầy nâu, đạo ô, bạc lá và chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu như chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn...
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ KH&CN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa như nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất rau, hoa, quả theo qui trình GAP, công nghệ cao. Chọn tạo giống đột biến bằng ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra, đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn, có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như Mỹ, châu Âu… góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,3 tỷ USD và lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu gạo.
Phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, hiệu quả
Bộ NN &PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thành tựu KH&CN đóng góp 50% GDP ngành Nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN được xem là nhu cầu cấp bách, là giải pháp trọng tâm để ngành Nông nghiệp ngày càng đổi mới, hiện đại hóa bắt kịp hội nhập. Việc phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải mang tính bền vững, hiệu quả, trong đó quan tâm đến vai trò của người nông dân.
Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng GAP, tăng cường công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản. Đồng thời đẩy mạnh những chính sách thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung và vào sự ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp nhằm tạo ra chuyển biến thực sự, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kiến nghị ngành KH&CN đồng hành cùng với ngành tập trung vào những khu vực mũi nhọn như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…; xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam; đồng thời, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco tỉnh Hà Nam, dự kiến tại đây sẽ triển khai khoảng 15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20-30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp luôn là trụ đỡ nền kinh tế của đất nước nhưng ngành nông nghiệp đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và còn là một nền nông nghiệp có chi phí lớn, đời sống người nông dân chưa cao. Vì vậy, Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng tiềm lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Về việc hỗ trợ vốn, mới đây Thủ tướng đã đồng ý có một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng và cho nhiều ngân hàng tham gia chương trình này để các nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, quy hoạch, chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh nhu cầu của người dân đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn rất lớn.
Tác giả bài viết: Hùng Cuòng
Nguồn tin: vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã