PV (phóng viên): Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực mình quản lý thời gian qua? Tỷ lệ vi phạm đã được kéo giảm hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Công: Phải thừa nhận rằng, tình hình vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, một số cơ sở sản xuất sử dụng những biện pháp kích thích tăng trưởng, bảo quản chưa hợp vệ sinh, sử dụng các chất phụ gia thực phẩm ngoài danh mục hoặc sử dụng vượt giới hạn cho phép; một số cơ sở chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa xây dựng chương trình quản lý chất lượng (GMP, SSOP, HACCP,....) nên còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý của ngành.
Năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch “Năm cao điểm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”, tăng cường thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
Tuy tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn xảy ra nhưng đã giảm 50% so với năm 2015 (năm 2015 có 97/1.459 mẫu kiểm không đạt, chiếm tỷ lệ 6,6%; năm 2016 có 114/3.440 mẫu kiểm không đạt, chiếm tỷ lệ 3,3%).
PV: Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp sẽ cụ thể hóa nội dung này như thế nào để đạt được chỉ tiêu Bộ đề ra, cũng như đảm bảo cho người dân có nguồn thực phẩm an toàn?
Ông Nguyễn Văn Công: Căn cứ Kế hoạch năm cao điểm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, các công việc sẽ tập trung thực hiện là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kịp thời thông tin đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung vào thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn; tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, lấy mẫu giám sát sản phẩm an toàn.
Chúng tôi cũng sẽ triển khai thỏa thuận phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế trong quản lý, kiểm soát ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp, kháng sinh y tế trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Một nhiệm vụ nữa cũng sẽ được quan tâm trong năm nay đó là kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; tái kiểm tra cơ sở xếp loại C và xử lý dứt điểm cơ sở tái kiểm tra vẫn xếp loại C theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT v.v..
PV: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch là xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, Ngành nông nghiệp đã có chiến lược như thế nào để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn tại Đồng Tháp?
Ông Nguyễn Văn Công: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 cơ sở tham gia chuỗi sản phẩm từ thịt an toàn: cơ sở Hoàng Sơn (sản xuất nem, bì, chả lụa), cơ sở nem Thanh Sơn, cơ sở Bì mắm Đông Nguyên (sản xuất bì mắm), cơ sở nem Tư Kiên (sản xuất nem, bì, chả lụa), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Gia Huynh Đệ (sản xuất lạp vịt, vịt quay, gà quay,…).
Trả lời cho câu hỏi vừa nêu, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người dân sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, HACCP…; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tham gia mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, giúp cơ sở nhận thức được thế nào là chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và lợi ích mà mô hình chuỗi mang lại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các Phiên chợ Nông nghiệp xanh, cố gắng mỗi tháng 01 lần. Từng bước đưa các quầy test nhanh tại các chợ đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ cho các cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh, tiếp tục thành lập mới ở các địa phương khác trong toàn tỉnh khi có điều kiện.
PV: Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc đẩy lùi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp, vai trò của cơ quan truyền thông có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Công: Tôi muốn mọi người hiểu rằng, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm không phải trách nhiệm của riêng ngành nào mà là vấn đề của toàn xã hội, cần có sự phối hợp đồng bộ thì công tác này mới thật sự có hiệu quả.
Tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò của cơ quan truyền thông. Thông qua những thông tin được truyền tải, nhất là những trường hợp vi phạm giúp người dân nâng cao cảnh giác và có ý thức tự bảo vệ mình, lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Người sản xuất, kinh doanh cũng phải e dè và tuân thủ quy trình sản xuất đủ điều kiện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: dongthap.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã