So với một số quốc gia trong khu vực, giá nông sản của ta thường cao hơn từ 20% đến 50%, có khi cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi. Một trong những lý do để giá nông sản luôn cao là do trong sản xuất, người nông dân phải gánh quá nhiều khoản đóng góp. Theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải cõng hơn 100 khoản đóng góp. Các khoản này thường chia là 3 phần: Phần thuế nộp cho nhà nước theo quy định; phần dịch vụ của các hợp tác xã (chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) - các khoản phí dịch vụ này chiếm khoảng 38% đến 40%; các khoản phí mang tính xã hội (phí môi trường, điện, đường, đê điều, hỗ trợ người bị thiên tai…) - thường chiếm từ 25% đến 30% . Cùng với giá cả vật tư "leo thang", các khoản phí này tăng thêm "đầu vào" khiến giá cả nông sản tăng cao ngay cả khi được mùa.
Không chỉ trồng trọt mà chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng vậy. Đầu vào ngày càng tăng, đầu ra không ổn định là vòng luẩn quẩn khiến đời sống nông dân không vượt lên được, mặc dù Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các khoản phí quá nhiều và quá cao nên ngay cả những năm được mùa, một hộ nông dân khi bán hết lúa, mỗi sào thu về 1,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 100.000 đồng. Nửa năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" thu về được số tiền nhỏ như vậy, chi tiêu sẽ thế nào, chưa kể những năm thiên tai, mất mùa? Chính vì điều đó, không ít nông dân đã phải cho thuê ruộng, khi không ai thuê nữa thì bỏ ruộng.
Chúng ta đã làm được nhiều việc, tháo gỡ nhiều khó khăn, bất hợp lý trong tiến trình phát triển, nhưng phần nhiều đối với các vùng đô thị, các doanh nghiệp công nghiệp, còn giá cả vật tư nông nghiệp, các khoản phí trong hợp tác xã nông nghiệp, các khoản đóng góp ở nông thôn... chưa được thật sự quan tâm. Nếu điều chỉnh các loại phí và giá cả vật tư nông nghiệp, tăng thêm thu nhập cho nông dân, giảm dần tình trạng bỏ ruộng, bỏ chuồng, bỏ ao hồ… thì không những làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới... mà còn góp phần giảm sức ép dân số từ nông thôn lên thành thị, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp cho thành phố hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã