Chiều qua (14/5), Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị "Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo huớng bền vững". Tại đây những vấn đế vướng mắc liên quan đến tiêu thụ nống lâm thuỷ sản tiếp tục được đưa ra bàn luận.
Phương thức sản xuất nông lâm thuỷ sản vẫn lạc hậu
Chia sẻ về tình hình hoạt động thương mại trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2015 đã chứng kiến sự khởi sắc, phát triển của hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và các ngành hàng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với hàng loạt các khuôn khổ hội nhập mới đang tạo ra các cơ hội cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển bền vững ở các thị trường mới.
Việc sản xuất rau quả hiện nay không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, nhìn ở nhiều góc độ, rau quả và trái cây lại là các mặt hàng cần quan tâm để đảm bảo được chất lượng, yêu cầu trong sản xuất, canh tác nông nghiệp cũng như trong thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Bởi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đời sống của người dân, đồng thời, cũng là mặt hàng được quản lý chặt chẽ của các quốc gia đối tác mà Việt Nam xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đang gặp 2 hàng rào lớn về kỹ thuật đó là quy định bảo vệ thực vật và an toàn thực vật ngày càng nghiêm ngặt. “Nếu rau quả vượt qua được hai rào cản này sẽ phát huy tốt tiềm năng khai thác xuất khẩu, khi đã có sẵn lợi thế về chất lượng, thế mạnh về mùa vụ sản xuất và giá thành mà sản phẩm của nhiều nước xuất khẩu khác không có được”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Hồng cũng chia sẻ, hiện có rất nhiều thời cơ để chúng ta có thể xuất khẩu rau quả có giá trị cao, nhưng rau quả của Việt Nam đã gặp không ít thách thức và khó khăn khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, người trồng phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, từ đó khiến rau quả không đáp ứng được yêu cầu của nhiều nước nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, việc sản xuất rau quả hiện nay không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn, cùng với đó bố trí mùa vụ không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi, gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ như các trường hợp với dưa hấu, vải thiều, thanh long…
Cần có sự liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân
Cũng theo thông tin tại Hội nghị "Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo huớng bền vững", Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, rau quả đang ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Trong thời gian tới, do sự gia tăng dân số, mức thu nhập của dân cư và sự biến động giảm trong ngắn hạn của giá hàng nông sản trên thị trường quốc tế, nhu cầu đối với hàng nông sản thế giới trong những năm tới sẽ tăng nhanh.
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện cả nước hiện có khoảng 845 nghìn ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long là hai vùng sản xuất rau lớn nhất nước. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Báo cáo cũng cho biết, 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonexia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Đưa ra giải pháp cho việc phát triển thị trường rau quả Việt Nam, ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững phải đi từ sản xuất, gieo trồng đến tiêu thụ. Đồng thời, muốn mở rộng thị trường thì phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm chi phí vận tải lưu thông để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ, sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, phải xác định được những thị trường trọng điểm cho sản phẩm. Đối với những thị trường lớn như Trung Quốc, thì cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải phối hợp để có những đánh giá nhu cầu thị trường cả ở ngắn hạn và dài hạn, từ đó xác định sản lượng tiêu thụ, tránh tình trạng "được mùa rớt giá" xảy ra thời gian vừa qua.
Trước những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phuơng, Hiệp hội rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu rau quả. Cùng với đó, thiết lập cơ chế phối phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc rà soát và xây dựng quy hoạch và điều tiết và quản lý sản xuất và tiêu thụ rau quả.
Cùng với đó, trên cơ sở cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, xây dựng quy hoạch sản xuất rau quả phù hợp gắn với địa bàn, loại cây trồng và thị trường; từ đó, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, nhằm tạo ra các chân hàng lớn đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như thị trường nước ngoài và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến...
Yến Nhi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã