Nguồn cung sẽ đạt 4,49 triệu tấn
Theo ước tính của FAO, do Hội chứng tôm chết sớm (EMS) nên tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu trong năm 2013 đạt 3,25 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2012, trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm 36% lượng cung tôm toàn cầu, Trung Quốc chiếm 26%, Ấn Độ chiếm 0,5%, các quốc gia khác 26%.
Bình quân giai đoạn 1994 - 2013 tăng 8,26%/năm, giả định các yếu tố đầu vào không thay đổi, các quốc gia vẫn phát triển sản xuất như trong giai đoạn 1994 - 2013 thì nhiều khả năng đến năm 2020 lượng cung tôm nuôi toàn cầu sẽ đạt 4,49 triệu tấn, bình quân tăng 4,14%/năm, bằng ½ so với tốc độ tăng thời kỳ trước đó (1994 - 2013).
Cũng theo FAO, ngành tôm thế giới giai đoạn 2007 - 2013 đã có sự chuyển dịch lớn giữa các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu và xu hướng này tiếp tục có sự biến động lớn trong thời gian tới. Cụ thể đến năm 2020, tổng lượng cung tôm chế biến xuất khẩu của 9 quốc gia và khu vực xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới gồm: Trung và Nam Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philipines, Malaysia sẽ đạt 2,15 triệu tấn.
Lượng cung của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ này mới chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của tiêu thụ của ba thị trường hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật và EU.
Vẫn sẽ thiếu hụt
Theo dự báo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), dân số thế giới đến năm 2020 không vượt quá 7,8 tỷ người. Và nhiều khả năng tổng nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi toàn cầu đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,55 triệu tấn.
Nếu khu vực nuôi tôm thế giới không bị tác động lớn của thị trường, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu thì nhiều khả năng đến năm 2020, tổng nhu cầu tôm nuôi toàn cầu cần khoảng 6,55 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung có hạn, chỉ đạt khoảng 4,49 triệu tấn. Như vậy lượng tôm thiếu hụt vẫn còn rất lớn, khoảng 2,06 triệu tấn.
Thái Lan là một trong những nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới
Trái lại, nếu khu vực sản xuất nguyên liệu tôm nuôi bị tác động mạnh của những yếu tố bất lợi như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… thì khả năng lượng thiếu hụt vẫn sẽ rất lớn, cung vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. Đây là điều kiện rất tốt cho các nước có điều kiện tự nhiên nuôi tôm phát triển, trong đó có Việt Nam.
Dự đoán tiêu thụ tôm ở ba thị trường chính
Mỹ:
Theo FAO, năm 2013, tổng nhu cầu nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ đạt trên 576.400 tấn tôm các loại, tăng 2,17% so với năm 2008, bình quân tăng 0,43%/năm (2008 - 2013). Giả định nền kinh tế Mỹ có sự phục hồi và tăng trưởng ổn định thì nhu cầu nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ sẽ đạt khoảng 652.700 tấn, bình quân tăng trưởng 1,88%/năm (2014 - 2020), tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2008 - 2013 khoảng 1,45%/năm.
Nhật Bản:
Cũng theo FAO, thị trường tiêu thụ tôm tại Nhật Bản tăng giảm thất thường qua các năm giai đoạn 2002 - 2013, tăng mạnh ở các năm 2003, 2004, 2009, 2010 và 2011 và giảm ở các năm giai đoạn 2005 - 2008 và các năm 2012, 2013, bình quân cả giai đoạn giảm 0,36%/năm, nguyên nhân giảm chủ yếu là do suy giảm kinh tế. Hiện nay, Nhật Bản không còn là nền kinh tế thứ hai thế giới nữa, sự mất giá của đồng yên Nhật kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tôm giảm theo. Tuy nhiên, xu thế tiêu thụ tôm ở thị trường Nhật Bản đi theo hình sin và có xu hướng tăng trưởng trở lại sau năm 2013. Nếu thị trường tôm của Nhật Bản đi đúng theo quy luật nhiều khả năng đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ tôm ở thị trường này có thể tăng và sẽ đạt 490.900 tấn.
EU:
Số liệu của FAO cũng cho biết, năm 2013, tổng nhu cầu nhập khẩu tôm vào thị trường EU trên 800.000 tấn tôm các loại, tăng 4,31% so với năm 2008, bình quân tăng 0,85%/năm (2008 - 2013). Giả định nền kinh tế EU có sự phục hồi và tăng trưởng ổn định thì nhu cầu nhập khẩu tôm vào thị trường EU sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ tôm của EU sẽ đạt khoảng 889.800 tấn, bình quân tăng trưởng 0,66%/năm (2014 - 2020), tăng trưởng thấp hơn giai đoạn 2008 - 2013 khoảng 0,19%/năm.
Chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Biến động giá tôm nhập khẩu
Số liệu thống kê thị trường nhập khẩu tôm chính của FAO năm 2013 cho thấy: Nếu giá nhập khẩu tôm bình quân vào Mỹ giảm ở các năm 2007, 2009, 2012 và tăng ở các năm còn lại thì thị trường Nhật Bản lại giảm ở các năm 2006, 2013, các năm còn lại tăng; riêng với thị trường EU thì có xu hướng giảm giống ở thị trường Mỹ lại giảm ở các năm 2006, 2009 và tăng ở các năm còn lại.
Nguyên nhân giảm giá bán ở các thị trường chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế từ sau năm 2009, các năm trước 2009 giảm giá chủ yếu do có sự cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu nhằm chiếm thị phần lớn hơn.
Hiện nay, nền kinh tế thế giới bắt đầu trên đà phục hồi, sự giảm sút mạnh nguồn cung tôm do EMS diễn ra ở hầu hết các quốc gia có xuất khẩu tôm, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, vì vậy trong thời gian tới đến năm 2020 giá tôm sẽ được đẩy lên do nguồn cung tôm hạn chế.
Khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam
Kết quả phân tích cho thấy, nhìn chung giai đoạn 2010 - 2012, năng lực cạnh tranh về giá tôm của Việt Nam tốt hơn so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và chỉ thua duy nhất so với sản phẩm tôm xuất khẩu của Ấn Độ. Với khả năng cạnh tranh như vậy Việt Nam khó có thể vươn lên trở thành cường quốc đứng thứ hai hay thứ ba trên thế giới về xuất khẩu tôm nước lợ trong thời gian tới, nhiều khả năng chúng ta vẫn đứng ở vị trí thứ tư.
Tính toán dựa vào nguồn số liệu của FAO và Date Courtesy of Thai Shrimp Association 2013 and Planing to 2020
Dự báo lượng cầu tôm nuôi toàn cầu đến năm 2020
Tính toán dựa vào nguồn số liệu của FAO và UNDP qua các năm
>> Kết quả tính toán dựa vào nguồn số liệu của FAO cho thấy, năm 2013, tổng nhu cầu tiêu thụ bình quân tôm nuôi đạt trên 50 gram/người/năm, tăng gần 3,6 lần so với năm 1994, bình quân tăng 6,91%/năm. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ sẽ đạt trên 80 gram/người/năm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã