Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...”.
Như vậy, có thể thấy, việc người dân đi mua đồ ăn, thực phẩm, thuốc men vẫn diễn ra và các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu, hàng thực phẩm vẫn mở cửa phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang....
Các Sở Công Thương căn cứ điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly. Đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Các đơn vị hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như: chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Về bố trí các điểm bán hàng, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới, tạm thời, lưu động… trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục trong mọi tình huống, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán….
Đáng lưu ý, các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi, chợ trên địa bàn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể: các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành…đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thương đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online (qua website, app trên điện thoại, kênh Đi Chợ Hộ (bán hàng qua điện thoại), đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở). Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn bảo đảm đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retain chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…). Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội trong 3 tháng. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
“Các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng”, bà Lan khẳng định.
Trước đó, họp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan cấp giấy phép cho xe chuyên chở của các doanh nghiệp được đi vào thành phố 24/24... Các cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu, siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đều được yêu cầu mở cửa liên tục phục vụ nhân dân.
Thùy Linh
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã