Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sáu tháng đầu năm, thành phố có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước hơn 5.350 tỷ đồng, còn lại gần 380 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ngoài huyện Đan Phượng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay hồ sơ đề nghị ba huyện gồm Thanh Trì, Hoài Đức và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới đã trình Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, thẩm định, trình Chính phủ xem xét công nhận huyện nông thôn mới trong thời gian tới...
Tuy nhiên, do áp dụng chuẩn nghèo mới theo quy định của thành phố, trong đó nâng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn thu nhập từ dưới 550 nghìn đồng/người/tháng lên dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng, cho nên hiện nay thành phố có 169 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, giảm 32 xã so với năm 2015, 142 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 71 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và một xã mới chỉ đạt và cơ bản đạt tám tiêu chí. Ngoài ra, khu vực nông thôn có hơn 60 nghìn hộ nghèo, chiếm 5,6%, tăng hơn 4% so với năm 2015...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thừa nhận, không chỉ giảm số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, số xã hoàn thành nông thôn mới ở các huyện chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, thì một số huyện kết quả còn thấp như Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới còn rất hạn hẹp, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều. Hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi, nhất là ở những vùng xa trung tâm còn khó khăn. Vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn diễn biến phức tạp... đang ảnh hưởng kết quả xây dựng nông thôn mới.
Nói về những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, đến hết năm 2015 huyện mới có mười trên tổng số 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016 huyện phấn đấu có thêm sáu xã, năm 2017 phấn đấu về đích nông thôn mới, nhưng càng về giai đoạn cuối việc hoàn thành các tiêu chí càng khó khăn và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhất là các tiêu chí về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, nguồn lực của huyện còn hạn chế. Công tác đấu giá đất để lấy tiền xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn. Sau dồn điền đổi thửa, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với vùng rau an toàn, nhãn chín muộn..., nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm gặp khó, ảnh hưởng đời sống người dân.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì thế, thành phố sẽ bố trí đủ nguồn vốn, với mức năm tỷ đồng/xã để hỗ trợ các xã đã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các huyện, thị xã cần chủ động thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng, phát triển nông thôn bền vững, tránh tình trạng trông chờ vào ngân sách thành phố.
Tại hội nghị sơ kết công tác xây dựng nông thôn mới sáu tháng đầu năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, năm nay thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng trong sáu tháng đầu năm mới đạt được 11 xã. Vì vậy, trong sáu tháng cuối năm các địa phương phải tăng tốc, tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cần rà soát cụ thể, tập trung nguồn lực cho các xã có khả năng hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm nay, với phương châm không dàn trải, đầu tư công trình nào cần hoàn thành công trình đó, làm được xã nào chắc xã đó, không chạy theo số lượng. Đồng thời, các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kiên quyết hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa trong năm nay để giúp nông dân có cơ sở pháp lý liên kết phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ưu tiên cho các xã, huyện theo hướng làm “cuốn chiếu”, hỗ trợ cho các xã gần đạt để hoàn thành các tiêu chí.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã