Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản an toàn tại hội chợ "Tuần lễ nông sản an toàn." (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Tại Hội nghị triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn vừa diễn ra chiều ngày 5/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội đã giới thiệu về phần mềm quản lý sản phẩm từ khi sản xuất, đóng gói đến khi sản phẩm có mặt trên kệ hàng hóa đến với người tiêu dùng thông qua dán tem nhận diện sản phẩm.
Theo đó, chỉ bằng điện thoại thông minh người tiêu dùng Thủ đô đã có thể truy xuất, tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm và biết được sản phẩm đó do cơ sở nào sản xuất, chế biến, đóng gói...
Đặc biệt, phần mềm quản trị này sẽ phục vụ 3 nhóm đối tượng là nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, với các thiết bị điện thoại thông minh (smartphone), người tiêu dùng có thể quét mã code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sẽ thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm thông qua ứng dụng này và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đối với nhà quản lý, giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý, logo, xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm trong hệ thống đồng thời quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Gian hàng bán thực phẩm sạch. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các hội tiêu dùng tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện, sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 mặt hàng nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong số đó, có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố phân phối tại Hà Nội.
“Nếu thực hiện thí điểm thành công, dự kiến vào tháng 11 năm nay, chương trình sẽ bổ sung, khắc phục hạn chế thông qua triển khai thực tế và đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm để có thể áp dụng nhân rộng công nghệ này. Hy vọng dự án sẽ đi vào thực tiễn hiệu quả góp phần tích cực vào việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng về thị trường nông sản an toàn,” Giám đốc Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh./.
Theo trithuccongluan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã