Nỗi lo nông nghiệp tăng trưởng âm
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%), và thấp hơn mục tiêu của cả năm là 6,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của nhiều ngành, trong đó khu vực nông nghiệp có tăng trưởng âm là 0,18%.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân là do tác động biến đổi khí hậu của 6 tháng đầu năm diễn ra hết sức khắc nghiệt, trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là sản lượng lúa bị giảm đi 1,3 triệu tấn ở ĐBSCL.
Song, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng hơn ở đây là sự phát triển không bền vững của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan đã lâu chưa được xem xét giải quyết một cách căn cơ, như việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tăng trưởng của GDP.
Việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng, sức cạnh tranh thấp |
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, nước ta còn khan hiếm những cây, con giống có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, giá vật tư, phân bón, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, những sai phạm trong việc quản lý liên quan đến lĩnh vực này đã gây bức xúc rất lớn trong nhân dân.
“Sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nhỏ, mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa chú trọng nhân rộng. Việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản sụt giảm...”, một chuyên gia nói
Một số ý kiến khác thì cho rằng, tất cả những vấn đề này không có gì mới, đã lặp đi, lặp lại một thời gian dài nhưng vẫn chưa có giải pháp thấu đáo để khắc phục triệt để. “Điểm mới” ở đây là lần đầu tiên trong nông nghiệp của nước ta tăng trưởng âm và liên tục trong 6 tháng.
“Nông nghiệp vẫn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng chúng ta chưa phát triển được ngành này một cách thật sự chiến lược, bài bản. Điển hình là việc siết lại liên kết giữa các nhà, việc kêu gọi DN phát triển nông nghiệp, kết quả chưa như mong muốn”, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn nói.
Nhen nhóm niềm hy vọng
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP, giao NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, ưu tiên cho các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao và các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.
Kết quả thực hiện chương trình này sau 2 năm đã đem lại niềm hy vọng, nếu nó được tiếp tục thúc đẩy thì nông nghiệp sẽ có đà phát triển mới, đủ sức bật cho tăng trưởng.
Trong Báo cáo mới nhất vừa trình Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp, NHNN cho biết thực tế giải ngân của chương trình đã làm tốt hơn so với cam kết cho vay ban đầu của các NHTM.
Khi bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2014, 8 NHTM cam kết tài trợ tín dụng cho 28 DN với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Tới nay, các NHTM đã giải ngân cho vay 22/28 DN để thực hiện 22/31 dự án với số tiền 7.333,73 tỷ đồng, cao hơn mức cam kết 1.700 tỷ đồng do có 4 DN được liên bộ phê duyệt mở rộng quy mô sản xuất so với dự án ban đầu. Hiện dư nợ còn 915,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 807 tỷ đồng, dư nợ dài hạn là hơn 107 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mối liên kết mà cả ba bên gồm ngân hàng, DN, nông dân đều có lợi. Theo thông tin từ lãnh đạo các DN tham gia chuỗi liên kết và lãnh đạo một số địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước, nông dân cắt giảm chi phí sản xuất được từ 500-1.000 đồng/kg cá tra, cho thu nhập cao gấp 2 lần những hộ ngoài liên kết.
Đặc biệt, sự linh hoạt ở dự án là tất cả dòng tiền hoạt động trong chuỗi liên kết đều không là tiền mặt. Người dân không phải giữ tiền mặt mà được mở tài khoản, giao dịch qua NHTM để thanh toán tiền mua giống, mua thức ăn nuôi cá. DN thanh toán tiền mua cá cho người dân qua tài khoản xuất khẩu thu tiền từ nước ngoài…
Để thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện cho ngân hàng, DN trong triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực;
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu và có giải pháp thúc đẩy việc ký kết và đảm bảo việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa DN và người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất quy mô lớn.
Minh Chung
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã