Thời điểm hiện tại, khi chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ thực hiện ở cấp xã, việc đưa ra khái niệm "huyện nông thôn mới" liệu có mang tính thực tiễn hay chỉ là hô hào theo kiểu "quyết tâm là chính"? Với câu hỏi này, lãnh đạo huyện cho rằng: Việc xây dựng ''huyện nông thôn mới" không viển vông bởi nó xuất phát từ tình hình địa phương và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng tạo cơ sở để lãnh đạo huyện tin tưởng vào mục tiêu này.
Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như quy hoạch, giao thông... đều hết sức quan trọng, song phải phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Nông thôn mới phải từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cách ứng xử văn hóa trong gia đình đến ngoài xã hội, từ việc tìm giải pháp để tăng giá trị thu được từ đất đai đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... chứ không phải cứ làm đường sá thật to mới là nông thôn mới... Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là chương trình phát triển tổng hợp để nông thôn Việt Nam có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị, đời sống của cư dân nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc... Có lẽ từ cách nhìn nhận như vậy, Đan Phượng đã vận dụng linh hoạt nhiều chủ trương, chính sách vào thực tế địa phương để thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong thực tế, nếu làm theo đúng quy trình sẽ mất không ít thời gian và với cơ chế, cung cách làm việc hiện nay của không ít cơ quan, đơn vị, đụng vào việc tất sẽ có không ít vướng mắc, đặc biệt với các công trình xây dựng. Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, phải vận dụng chính sách vào thực tế để đồng vốn bỏ ra có thể mang lại hiệu quả cao nhất, khi cán bộ sáng tạo, tâm huyết trong công việc, người dân đồng thuận chung sức cùng chính quyền thì chắc chắn sẽ thành công. Đối với các công trình giao thông, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, huyện đã tín chấp, bảo lãnh để doanh nghiệp yên tâm cung cấp vật liệu đến công trình bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ... Người dân tham gia quản lý vật tư, thực hiện giám sát cộng đồng... Cho đến hôm nay, hơn 100km đường giao thông đã hoàn thành như một phần minh chứng cho cách tổ chức thực hiện linh hoạt của Đan Phượng.
Chưa biết công việc tiếp theo để xây dựng mô hình "huyện nông thôn mới" của Đan Phượng sẽ ra sao, nhưng cách tư duy của lãnh đạo huyện Đan Phượng rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Có một thực tế hiện nay là liên kết kinh tế giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp trong không gian rộng chưa được định hướng rõ ràng, việc quy hoạch mạng lưới cụm công - nông nghiệp hiện đại, có liên kết với thị trường tiêu thụ chưa được nhìn nhận đúng mức... thì việc xây dựng mô hình "huyện nông thôn mới" với không gian rộng để tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp lớn, có tính liên kết cao hơn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn.
Trong xây dựng nông thôn mới, tìm được cách làm phù hợp với thực tế từng địa phương là hết sức quan trọng. Ý tưởng xây dựng "huyện nông thôn mới" của Đan Phượng có thể xem là một cách tư duy mới, cách làm mới đáng ghi nhận.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã