Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, chỉ còn 5 địa phương chưa hoàn thành.
Theo kết quả sơ bộ này, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với trên 55% tổng số hộ dân; tiếp đến là khu vực miền núi Đông Bắc với hơn 29%; Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Nam Bộ là dưới 10%. Các khu vực còn lại tỉ lệ này từ 12-24%.
Tới cuối tháng 3/2016, Bộ LĐTB&XH sẽ hoàn thành tổng hợp về số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới để báo cáo Chính phủ.
Để thực hiện cuộc tổng điều tra này, Bộ LĐTB&XH đã phân công cho các giám sát viên và các đoàn giám sát liên ngành (phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn, Hội Cựu chiến binh) hỗ trợ các địa phương. Việc điều tra theo quy trình, công cụ mới không quá khó khăn. Kết quả điều tra không gặp bất kỳ khiếu nại nào của người dân.
Về thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐTB&XH đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo cho ý kiến sửa đổi một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo hướng loại bỏ các chính sách “cho không”.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đề nghị Bộ LĐTB&XH đốc thúc các địa phương còn lại hoàn thành điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để cấp có thẩm quyền sớm xác định cơ cấu phân bổ vốn thực hiện chương trình và xác định địa bàn khó khăn cần phải ưu tiên.
Phó Thủ tướng đề nghị trong khi chưa có kế hoạch phân bổ vốn cho cả giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành và địa phương phân bổ ngay vốn đầu tư cho chương trình trong năm 2016 để thực hiện kịp thời.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phân cấp mạnh nguồn lực để địa phương thực hiện phân bổ hợp lý vào các địa bàn cần tập trung đầu tư giảm nghèo, đồng thời các bộ xác định rõ tiêu chuẩn của từng tiêu chí giảm nghèo bền vững để địa phương căn cứ thực hiện ngay.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho ý kiến về việc tổng kết chương trình này trong giai đoạn 2011-2015 sẽ làm theo hình thức hội nghị trực tuyến, dự kiến tổ chức vào tuần sau.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chương trình là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm một số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm, trong đó số hộ nghèo ở các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, người/hộ mới thoát nghèo, người/hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn trọng điểm sau: Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chương trình này gồm 5 dự án thành phần gồm: Chương trình 30a, chương trình 135; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng sinh kế; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình trong 5 năm tới là hơn 48.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là gần 41.500 tỉ đồng, ngân sách địa phương là hơn 4.490 tỉ đồng. Còn lại là vốn huy động cộng đồng, doanh nghiệp là 2.030 tỉ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã