Ông Nguyễn Minh Tiến – tân Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM T.Ư đã trao đổi với PV Dân Việt như trên khi nói về kế hoạch xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Ông Tiến cho biết: Chương trình NTM là chương trình lớn, được triển khai trên địa bàn của 9.300 xã, sau 5 năm triển khai, đến thời điểm này đã có 1.761 xã (tương đương 19,7%) đạt được 19/19 tiêu chí. Bên cạnh đó, cũng đã có 17 huyện và 3 huyện đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu từ nay đến năm 2020 là có 50% số xã về đích, không có xã dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 tỉnh là Cao Bằng và Bắc Kạn chưa có xã nào về đích, vì vậy để hoàn thành mục tiêu trên là một nhiệm vụ rất nặng nề.
Cán bộ Hội ND Việt Nam thăm mô hình trồng rau an toàn của Hội ND Thái Bình. Ảnh: T.L
Chúng tôi đánh giá năm 2016 là năm “bản lề” rất quan trọng cho giai đoạn 2. Trong giai đoạn này, chúng ta không thể để lặp lại những hạn chế của giai đoạn trước, mà phải tìm cách khắc phục một cách tốt nhất. Các vấn đề chạy theo thành tích, huy động người dân đóng góp quá mức, hay chủ yếu tập trung vào các xã vùng đồng bằng, có điều kiện tốt… sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Cụ thể, các hạn chế đó sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đang xây dựng dự thảo để trình Chính phủ về sửa đổi và ban hành một bộ tiêu chí mới cho NTM nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, đối với tiêu chí cấp xã, nếu trước đây chúng ta có 19 tiêu chí với khoảng 36 chỉ tiêu, thì nay có thể sẽ thêm một số chỉ tiêu nữa cho phù hợp với từng vùng miền, tức là chỉ tiêu nằm trong tiêu chí chính. Chẳng hạn như trước đây, tiêu chí số 17 về môi trường chỉ quy định số người sử dụng nước sạch, có bãi rác tập trung…, nay sẽ có thêm chỉ tiêu tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hạ tầng giao thông của huyện Đông Hưng (Thái Bình) được quan tâm đầu tư khang trang. Ảnh: T.L
Về hệ số hỗ trợ cho các xã NTM, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, đối với các xã dưới 5 tiêu chí được quy định hệ số 5, trên 5 tiêu chí hệ số 4, trên 10 tiêu chí hệ số 3. Cụ thể mỗi hệ số bao nhiêu tiền, sắp tới Chính phủ sẽ cân đối và đưa ra con số cụ thể.
|
Còn các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng vừa đảm bảo “cứng” nhưng cũng phải “mềm”. Chẳng hạn tiêu chí y tế, ở những xã vùng sâu, xa cách bệnh viện huyện thì phải được đầu tư bài bản, quy mô hơn nhằm đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân và ngược lại, chứ không làm theo kiểu cào bằng, rập khuôn.
Hiện số huyện NTM ngày càng nhiều, vì thế phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng NTM năm ngoái, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nhận xét, phải xem xét lại tiêu chí công nhận huyện NTM, không thể cứ cộng số xã đạt đủ tiêu chí NTM vào được. Vậy tiêu chí này sẽ được điều chỉnh ra sao, thưa ông?
- Trước đây một huyện được công nhận đạt chuẩn NTM khi có 75% số xã về đích. Song giai đoạn tới sẽ không xét theo tính cơ học này. Để đạt huyện NTM, thì bản thân huyện đó phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, có mối liên kết chặt chẽ giữa huyện và giữa các xã về đích NTM. Ví dụ, huyện phải có bệnh viện tương xứng, có bao nhiêu trường chuẩn quốc gia, trường chuyên…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các xã hiện nay tiêu chí dễ đều đã làm, chỉ còn lại những tiêu chí khó, cần nhiều kinh phí. Còn các huyện, các xã có điều kiện thì đã về đích, chỉ còn lại những xã khó khăn. Vậy, thời gian tới T.Ư sẽ có kế hoạch phân bổ ngân sách như thế nào để hỗ trợ các địa phương?
- Đúng, cái khó của địa phương hiện nay là phải cân đối nguồn lực. Về nguồn vốn, dự kiến ngân sách sẽ dành 193.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 63.000 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm sẽ giải ngân khoảng 15.000 tỷ đồng cho chương trình, cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 1, nguồn lực này không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này T.Ư sẽ yêu cầu các địa phương đầu tư trọng điểm, tránh lãng phí, hiệu quả thấp như trước đây khi bổ đầu phân vốn cho các xã. Các huyện phải cân đối dựa trên nguồn ngân sách được phân bổ để hỗ trợ cho các xã, có thể là một, hai xã hoặc nhiều hơn tùy vào điều kiện từng địa phương.
Một khó khăn nữa mà các địa phương đang gặp phải là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, do chưa có hướng dẫn cụ thể và mô hình điểm nên mỗi địa phương làm một phách. Vậy theo ông, làm cách nào để vừa kết hợp được xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới?
- Đúng là chúng tôi cũng đang gặp khó, khi không biết phải hỗ trợ cho các mô hình như thế nào cho hiệu quả. Trước đây chúng ta hỗ trợ theo xã và cũng đã có rất nhiều mô hình được triển khai, nhưng không tạo được liên kết theo chuỗi, nên không ít mô hình đã bị lãng quên. Một phần do chúng ta hỗ trợ nhỏ lẻ, theo đợt, nhảy cóc, nay nấm, mai rau, kia gà lợn… người dân chưa quen thì đã chuyển mô hình khác, nên hiệu quả không cao.
1.761 là số xã đạt được 19/19 tiêu chí (tương đương 19,7%). 17 huyện đạt và 3 huyện đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. 193.000 tỷ đồng là ngân sách đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, trong đó ngân sách T.Ư là 63.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm sẽ giải ngân khoảng 15.000 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 1.
|
Trong thời gian tới, việc hỗ trợ các mô hình sẽ được lồng ghép vào chương trình tái cơ cấu của tỉnh, song trên quan điểm chỉ triển khai, phát triển những mô hình, mặt hàng là lợi thế của địa phương, có doanh nghiệp tham gia sản xuất và tiêu thụ, chứ không phải mô hình nào cũng hỗ trợ. Khi triển khai phải xác định được thị trường, có sự liên kết chặt chẽ từ HTX và các xã, huyện để tạo thành chuỗi giá trị, có như vậy mô hình mới bền vững.
Được biết, Văn phòng đang có dự định thành lập câu lạc bộ (CLB) huyện NTM, điều này xuất phát từ ý tưởng nào và ông kỳ vọng gì từ CLB này?
- Phải khẳng định rằng, mỗi xã, huyện về đích NTM là một điểm sáng và họ có rất nhiều mô hình, cách làm hay mà các địa phương khác rất cần để học tập. Mô hình không đâu bằng thực tế, đã được kiểm nghiệm và thành công.
Như ở thị xã Long Khánh, Xuân Lộc (Đồng Nai), có mô hình sản xuất, xử lý môi trường rất hay, hay huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mặc dù có tới 3 xã 135, song họ vẫn về đích huyện NTM, hay huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), đẹp như một bức tranh.
Hiện họ đang vận động người dân trồng hoa hai bên đường, tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh du lịch sinh thái, cộng đồng. Đặc biệt, tại các ngã ba, ngã tư họ đều ghi số điện thoài đường dây nóng, nhờ đó mà các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn những vụ việc xảy ra… Như vậy, mỗi xã, huyện có rất nhiều kinh nghiệm, tập hợp lại chúng ta sẽ có một “kho tàng” kinh nghiệm, do dó chúng tôi đã nảy sinh ra ý tưởng thành lập CLB huyện NTM để tận dụng kho tàng kinh nghiệm này.
Sắp tới chúng tôi sẽ tập hợp lại tất cả những kinh nghiệm hay của các địa phương để phổ biến cho các địa phương khác học tập và chúng tôi hy vọng rằng CLB sẽ là điểm đến lý tưởng cho các xã đang trên đường xây dựng và về đích NTM.
Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã