Nhằm thực hiện cơ chế, chính sách sách hỗ trợ cho các HTX phát triển, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020 nhằm hỗ trợ cho các HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 như: chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Giai đoạn đầu, trong 2 năm 2016-2017, tỉnh thực hiện thí điểm mô hình HTX, ưu tiên củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật HTX năm 2012, đồng thời vận động kết nạp thêm thành viên và tăng vốn góp của các thành viên. Tỉnh khuyến khích thành lập mới các HTX lúa gạo, trái cây và thủy sản, chọn 12 HTX lúa gạo, trái cây và HTX nuôi trồng thủy sản để làm mô hình thí điểm tham gia các chuỗi giá trị nông sản.
Trong 12 HTX thí điểm, chọn lọc gắn kết dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và các chương trình đề án khác đồng thời phấn đấu nâng lên mô hình liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh với vốn điều lệ ít nhất 1 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện mô hình liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh, tiếp tục vận động các HTX lúa gạo có nhu cầu tham gia vào mô hình thí điểm; củng cố các HTX lúa gạo hiện có theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và thành lập mới HTX lúa gạo; tạo tiền đề cho việc thành lập liên hiệp hợp tác xã quy mô vùng ở giai đoạn sau.
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 209 HTX, 1 Liên hiệp HTX, trong đó có 154 HTX nông nghiệp chiếm 73,68%. Vai trò của HTX được tăng cường trong chuỗi giá trị khi liên kết sản xuất nông nghiệp được coi là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thẳng thắn nhìn nhận: Để kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình HTX phát triển vững chắc, có 6 điểm cần khắc phục. Trong đó nhấn mạnh đến việc các HTX nông nghiệp hiện nay đều không có trụ sở, không có điểm giao dịch chính thức, phải sử dụng nhà của các hội viên làm trụ sở tạm, không cố định dẫn đến hạn chế trong hoạt động. Chính vì vậy, khi HTX cần vay vốn, không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng do không có một địa chỉ tin cậy để ngân hàng tiến hành kí kết bàn giao vốn. Thêm vào đó vốn điều lệ tại các HTX nông nghiệp hiện tại rất ít. Cụ thể, có trên 40% HTX có vốn điều lệ dưới 100 triệu đồng. Đa số các HTX không trích lập các quỹ, cho nên không có vốn tích lũy tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ hợp lý, dẫn tới lợi nhuận thấp, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên; một số còn hoạt động hình thức;...
Để thực hiện hiệu quả Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án ”Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020”, ông Nguyễn Văn Đồng cho rằng, trong bối cảnh nền nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu để tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là hướng đi đúng đắn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cần có chính sách ưu tiên về quy hoạch đất đai, xây dựng trang trại, ưu đãi tín dụng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ với các chính sách đặc thù cho chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ nông dân được tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất thông qua tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn; nâng trình độ quản lý của cán bộ HTX lên một bước... Ngoài ra, cần có chính sách điều động, luân chuyển đưa cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành tham gia vào bộ máy quản lý HTX nông nghiệp được xây dựng mô hình có thời gian từ 3 - 5 năm (ngân sách trả lương theo ngạch bậc) nhằm giúp cho các HTX tổ chức quản lý và hoạt động hiệu quả. Các HTX đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt là một xu thế tất yếu.
Hiện tỉnh Hậu Giang đã qui hoạch vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là cơ sở để các HTX liên kết cùng với doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh về chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển thương mại, du lịch.
Theo: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã