Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và chủ trì buổi tọa đàm. Cùng dự Tọa đàm có ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đắc Thắng – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các ông/bà đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đại diện Văn phòng điều phối chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đại diện các tỉnh, thành: TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu khai mạc, định hướng nội dung buổi Tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày 28/12/2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Đề án số 04 và chính thức phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đây chính là nội dung hoạt động cụ thể nhằm triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Tọa đàm.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thực hiện hơn 20 năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có những điểm đổi mới hết sức cơ bản, chúng ta cần quan tâm về nội dung, phương thức phối hợp tổ chức thực hiện để mỗi địa phương khi triển khai Cuộc vận động đề ra được nội dung, giải pháp tổ chức cho phù hợp.
Nội dung Cuộc vận động đã trả lời được rõ ràng hơn câu hỏi là Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới thì tham gia ở nội dung nào, tiêu chí nào trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới; Cuộc vận động được bổ sung nội dung, tiêu chí thực hiện, đó là những vấn đề xã hội, nhân dân đang quan tâm, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang quyết liệt, tập trung giải quyết như: vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm trật tự trị an; liên kết phát triển sản xuất, nâng cao năng suất hiệu quả, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đặc biệt là lắng nghe ý kiến nhân dân để cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động, Trung ương đề cao, khuyến khích sự sáng tạo chủ động của địa phương, trên cơ sở mục tiêu chung, các địa phương xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn.
Thực hiện đổi mới phương thức phối hợp giữa Chính quyền với Mặt trận và các tổ chức thành viên, điều này sẽ thể hiện cụ thể trong Hướng dẫn việc công nhận Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa.
Một trong những giải pháp rất quan trọng để có sự chỉ đạo quyết liệt và tạo cơ chế cho thực hiện Cuộc vận động đó là Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã và đang phối hợp chuẩn bị các nội dung để trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động. Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có Nghị quyết Liên tịch về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
“Chúng tôi cho rằng đây là những điểm mới hết sức quan trọng mà các cuộc vận động trước đây của chúng ta chưa có được. Từ đây chúng ta có được sự quyết tâm chính trị, trách nhiệm của các cấp, các ngành và thống nhất cơ chế trong công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Theo báo cáo của Ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam, xây dựng nông thôn mới đã thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên phong trào thực sự phát triển về cả bề rộng và chiều sâu từ khi Ban Chấp hành Trung ương Khoá X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định nhiệm vụ xây dựng: "Chương trình xây dựng nông thôn mới".
Tiếp sau đó là một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chương trình này như: Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Ông Lê Minh Hoan, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hiện nay cả nước đã có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn NTM. Có 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (3,2%).
12 tỉnh ĐBSCL so với cả nước đã có 235/1.965 xã (11,95%) và 02/23 (8,7%) huyện đạt chuẩn NTM (huyện Phong Điền của TP Cần Thơ, TX. Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang).
Trong Cụm, tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM nhiều nhất là Long An: 49 xã, ít nhất là tỉnh Bến Tre: 4 xã.
Về kinh phí xây dựng NTM, cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng (2,8%); huy động trong dân khoảng 31.048 tỷ đồng (11,8%).
Một số hình ảnh đại biểu tham dự Tọa đàm:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu tham dự Tọa đàm.
* Trước đó, bên lề Tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu đi thăm gian hàng trưng bày, giới thiệu một số hàng hóa, sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu đi thăm gian hàng trưng bày, giới thiệu một số hàng hóa, sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp.
Theo Quốc Định/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã