Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc tọa đàm.
Công khai, minh bạch các dự án
Tại cuộc tọa đàm, rất nhiều mô hình hay, hiệu quả trong vận động nhân dân xây dựng NTM đã được các địa phương trong khu vực ĐBSCL chia sẻ, từ đó kiến nghị thêm các giải pháp để thực hiện thành công cuộc vận động trong thời gian tới.
Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đồng Tháp phát biểu tại tọa đàm.
Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều nơi như Bình Chánh, Củ Chi (TP HCM), từ đó xác định rõ xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi hộ gia đình, gắn với các cuộc vận động trên địa bàn, phát huy được nguồn lực trong dân.
Đồng Tháp đã có nhiều mô hình tốt như quản lý người vi phạm pháp luật tại địa bàn dân cư, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, 3 hộ khá hỗ trợ một hộ nghèo, hộ gia đình cựu chiến binh không vi phạm pháp luật, xóm đạo bình yên….
“Thực tế cho thấy, ý thức người dân quyết định sự thành công của các cuộc vận động, xây dựng NTM. Làm sao để dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung. Vai trò của Mặt trận là vận động để nhân dân tham gia tự nguyện, thấy được vai trò của mình. Như vậy sẽ thành công”, bà Nghiệp nêu.
Do tập quán của người dân ĐBSCL là sản xuất ở vùng nhiều kênh rạch nên Đồng Tháp kiến nghị cần ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM mang tính đặc thù riêng cho khu vực này.
Ông Trần Lý Xuyên, Chủ tịch Mặt trận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt, đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của người dân với sự vận động không ngừng nghỉ của Mặt trận. Tuy nhiên, đời sống nông thôn hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Để cuộc vận động thành công, cần bảo đảm công khai minh bạch khi thực hiện các dự án, công trình, thực sự phát huy quyền làm chủ của người dân, làm cho dân hiểu xây dựng NTM là vì lợi ích của dân, từ đó chủ động tham gia, không trông chờ nhà nước. Chính quyền phải chỉ đạo sát sao, có trách nhiệm. Cán bộ Mặt trận đi vận động phải có uy tín, gương mẫu để dân làm theo.
Người dân phải được góp ý, phản biện
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đến từ Mặt trận: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau.. đều chung một mong mỏi, để vận động nhân dân xây dựng NTM, đô thị văn minh thành công thì phải bảo đảm công khai, minh bạch những khoản đóng góp của dân, để người dân thực sự thấy mình là chủ thể của cuộc vận động.
Phương châm thực hiện là phát huy tốt nội lực, tranh thủ ngoại lực; khơi dậy tính tích cực, tự giác của cộng đồng dân cư, các thành phần kinh tế cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực hiện đúng phương châm đó thì hiệu quả xây dựng NTM rất cao.
Đơn cử như sau 5 năm, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đạt tổng vốn xây dựng các công trình giao thông nông thôn do xã quản lý là 227 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ 83,5 tỷ đồng, còn lại do người dân hiến đất để mở rộng các công trình giao thông (quy đổi thành tiền là trên 85 tỷ đồng), công lao động trực tiếp là 46 tỷ đồng..
Hoặc tại ấp Tân Phú B, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp làm được 1 tuyến đường 500m trị giá 600 triệu đồng, cất 5 căn nhà tình thương cho hộ nghèo trị giá 100 triệu đồng…tất cả đều do nhân dân trong ấp đóng góp.
“Người dân phải được góp ý, phản biện và quyết định trong hầu hết các nội dung, công việc, các bước tiến hành trong thực hiện chương trình”, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Cà Mau, Phan Mộng Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại tọa đàm.
Cần sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, để xây dựng NTM thành công, vai trò của mặt trận và các đoàn thể là rất quan trọng. Xây dựng NTM là nhằm để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cả về vật chất và tinh thần. Nhưng để hiệu quả thì trên từng tiêu chí quốc gia cụ thể, Mặt trận triển khai phù hợp với vai trò vận động của mình.
Ví dụ về kinh tế, không chỉ là sản xuất mà còn là vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Hoặc ở nông thôn hiện nay, việc bê tông hóa ngày càng nhiều, nhà nào tường cũng bao quanh dẫn tới tình trạng hộ nào biết hộ đó, đèn ai nấy rạng, dầu ai nấy đun.. đòi hỏi vai trò Mặt trận trong vận động nhân dân phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm.
Bên cạnh đó là xây dựng khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Một vấn đề được Thứ trưởng Nam nêu lên đó là chương trình xây dựng NTM là huy động sức dân và Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng vừa qua nổi lên đó là chuyện huy động quá sức dân, đây là vấn đề mà Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng NTM đang tập trung chỉ đạo. Vì vậy, rất mong Mặt trận các cấp giám sát quyết liệt việc huy động người dân cũng như thực hiện chính sách xây dựng NTM.
“Có nơi trích quỹ đền ơn đáp nghĩa, trích tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng NTM, như vậy là sai, rất mong Mặt trận giám sát chặt chẽ điều này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.
Gắn với lợi ích chính đáng của nhân dân
Kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của Mặt trận các tỉnh ĐBSCL trong việc thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới mà hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới chiếm vai trò nòng cốt, giúp tối đa hoá những lợi ích của thành viên hợp tác xã.
Người dân cùng Mặt trận bắt tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chính là cơ sở vững chắc để khẳng định cuộc vận động này đang góp phần thể hiện trách nhiệm chăm lo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với Nhân dân, là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong thời gian sắp tới.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam nêu rõ, cuộc vận động mới mà Mặt trận phát động chính là kế thừa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực hiện liên tục 20 năm qua, nay sẽ cập nhật thêm một số nội dung, thêm phương thức mới để phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận với chính quyền địa phương và các đoàn thể để thực hiện có hiệu quả, thực chất và gắn liền với chương trình xây dựng NTM, đặc biệt cuộc vận động mới này phải gắn liền với cuộc sống thực tế của người dân, hướng tới những quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Trong tháng 8/2016, Mặt trận sẽ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động. Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có Nghị quyết Liên tịch về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đây là điểm mới hết sức quan trọng mà các cuộc vận động trước đây chưa có được. Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành thống nhất triển khai thực hiện, để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” triển khai mạnh mẽ, đi vào cuộc sống, phục vụ người dân với tinh thần thực chất hơn, trách nhiệm hơn, chất lượng cuộc sống người dân ngày một cao hơn.
Trong một bài viết của mình trên báo chí viết về nông thôn mới, ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng: Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là hướng đến cải thiện chất lượng sống của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, có 19 tiêu chí cụ thể, cả bộ máy cuốn theo thực hiện bằng được các tiêu chí đó. Nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: người dân đang tham gia như thế nào trong tiến trình mang lại sự khá giả cho chính mình? Hay các cấp uỷ, chính quyền đã "nghĩ thay, làm thay" tất cả cho người dân. Hay, chúng ta nghĩ rằng: hệ thống chính trị là sức mạnh duy nhất? Đi thăm, khảo sát và tiếp xúc nhiều nơi, nhiều người, tôi cho rằng: không phải như vậy! Các cấp uỷ, chính quyền, hay nói rộng ra là cả hệ thống chính trị là vẫn chưa đủ, chúng ta cần và rất cần phát huy nội lực từ người dân. Nội lực ấy không chỉ là phần hữu hình có thể "đong - đo - đếm" được như đất đai, ngày công, kinh phí, mà quan trọng hơn là phần vô hình: sự tự quản, tính tự lực, tự chủ, hợp tác của chính người dân. Chúng ta phải biết khơi gợi và có cơ chế để người dân tham gia bàn bạc và quyết định những công việc liên quan đến cuộc sống thiết thân của họ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã