Qua kết quả thống kê, có thể tóm lược một số đặc điểm chính của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 như sau:
Thứ nhất, công cuộc tái cấu trúc toàn ngành nông nghiệp đang diễn ra theo hướng tích vực và theo cách vừa tiệm tiến vừa đột phá. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và được đầu tư vốn lớn đang làm thay đổi mạnh mẽ năng suất và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất theo kiểu quán tính kinh nghiệm vẫn là chủ đạo.
Kim ngạch và tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2010 – 2017 (tỉ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Thứ hai, công cuộc cải cách nhằm nới bỏ hạn điền, thúc đẩy tích tụ ruộng đất vẫn tiếp diễn thận trọng. Nhu cầu đối với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn đang đặt ra một cách bức thiết nhưng lo ngại nông dân mất đất sản xuất vẫn là nỗi ám ảnh khiến cho các quyết sách thường bị trì hoãn hoặc rơi vào điểm nghẽn. Mấu chốt của vấn đề là thiếu một cơ chế tái phân phối thu nhập thông qua một thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp hoạt động hữu hiệu.
Thứ ba, các tiếp cận đầu tư và phát triển nền nông nghiệp theo hướng cụm ngành và liên kết chuỗi giá trị được tiến hành mạnh mẽ và bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Các cụm ngành nông nghiệp dần được định hình và hoàn chỉnh, tạo ra giá trị cộng hưởng và sức cạnh tranh cho cả cụm ngành. Các liên kết chuỗi giá trị cũng được tăng cường mặc dù các mắt xích vẫn còn lỏng lẻo và vẫn có giá trị gia tăng thấp.
Top 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn (triệu USD) Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Thứ tư, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho ngành nông nghiệp dần được cải thiện theo hướng hiệu quả nhờ những cải cách trong cách thức trợ cấp, chuyển từ trợ cấp dựa trên yếu kém (bị đồng nghĩa với khó khăn) sang trợ cấp dựa trên hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều đối tượng khó khăn vẫn chưa tiếp cận được các khoản trợ cấp hoặc do tư duy đồng đều đã làm cho các khoản trợ cấp vốn đã ít ỏi lại trở nên bị manh mún và phân tán làm suy giảm hiệu quả tổng thể.
Thứ năm, các chương trình đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn trên nhiều phương diện cũng mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn và đời sống người nông dân. Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông giúp làm giảm chi phí kết nối giữa nhà nông với thị trường, giữa nông thôn với thành thị. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đạt được một số thành quả nhất định nhưng bệnh thành tích và chủ quan ý chí đã gây ra một số hệ quả tiêu cực cho tăng trưởng, chẳng hạn như vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản.
Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam (triệu USD) Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Thứ sáu, thu nhập của người nông dân làm trong khu vực nông nghiệp không chỉ do ngành nông nghiệp mang lại mà còn có được từ các nguồn khác như thu nhập kiếm thêm từ du lịch hoặc do con cháu làm việc trong các ngành công nghiệp hoặc dịch vụ gửi về. Nhờ tăng trưởng ngành khá và thu nhập nói chung của người nông dân ngày càng được cải thiện, tiêu dùng và phúc lợi được tăng lên đáng kể, diện mạo và chất lượng của đời sống nông thôn thay đổi nhanh chóng.
Thứ bảy, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực quản trị tốt đã đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu đã tạo ra một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế so với các lĩnh vực khác. Nhiều rủi ro và nút thắt trong nông nghiệp vẫn còn hiện hữu đã làm e ngại hoặc nản lòng nhiều nhà đầu tư có ý định.
Thứ tám, tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét; các hoạt động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát. Người dân thiếu định hướng trong khi vai trò của nhà nước cũng như chính quyền địa phương còn thụ động.
Một số vấn đề lớn cho nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn
Một là, cần được tháo gỡ nhanh chóng các nút thắt hạn điền, các hạn chế về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói chung, trong đó có đất trồng lúa. Đặc biệt cần thúc đẩy việc hình thành và phát triển một thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp; hỗ trợ tiến trình tập trung ruộng đất một cách tự nhiên theo quy luật để phát triển một nền nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hiện đại; bảo hộ hữu hiệu quyền sử dụng đất cho người dân và nhà đầu tư.
Hai là, thúc đẩy và hỗ trợ cho chiến lược đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, qua đó giúp cải thiện thu nhập và giảm rủi ro biến thiên thu nhập cho nông dân.
Ba là, cải thiện điều kiện tiếp cận nguồn lực cho nông dân, bao gồm tiếp cận mở rộng diện tích đất sản xuất, tiếp cận vốn, lao động có kỹ năng, khoa học kỹ thuật, thông tin và thị trường cho nông dân.
Nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng mới. Ảnh: NTV |
Bốn là, hỗ trợ cho quá trình hình thành các cụm ngành nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm chi phí trung gian, thúc đẩy khả năng kết nối, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cộng hưởng cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Năm là, nỗ lực xóa bỏ các điểm nghẽn, giảm rào cản trong thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn; đảm bảo cơ chế mở hoàn toàn, tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Sáu là, cần tăng cường đầu tư và khuyến khích đầu tư cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nông nghiệp bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.
Bảy là, hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng, thường xuyên tập huấn kiến thức, chuyên môn kỹ thuật cao cho nông dân, giới thiệu và khuyến khích áp dụng các tập quán sản xuất tốt trong nông nghiệp.
Tám là, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dịch chuyển lao động, xóa bỏ các rào cản hành chính, thể chế, và kinh tế; không để những hạn chế yếu kém về năng lực quản lý làm cản trở việc dịch chuyển lao động. Việc dịch chuyển lao động giữa các ngành kinh tế, việc di cư từ nông thôn ra thành thị… sẽ làm tăng tính động (dynamic) của thị trường lao động, qua đó góp phần cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Chín là, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị nhà nước trong nông nghiệp theo hướng thị trường, minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh. Xóa bỏ tình trạng độc quyền do quán tính sở hữu nhà nước hay lợi dụng danh nghĩa nhà nước để tìm kiếm đặc quyền; hợp lý hóa các chính sách hỗ trợ của nhà nước trên cơ sở năng suất và khả năng cạnh tranh để giành chiến thắng, loại bỏ các trợ cấp ngầm kém minh bạch, tốn kém và phi hiệu quả.
Mười là, các tín hiệu của thị trường phải là kênh quyết định cho việc lập quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh các chính sách chứ không phải ngược lại. Vai trò của nhà nước là người cung cấp và chia sẻ thông tin, giúp cho khu vực tư nhân nắm bắt các số liệu vĩ mô và số liệu ngành một cách cập nhật và đầy đủ để họ có cơ sở ra quyết định chứ không phải biến các số liệu đó thành tài sản riêng và chia sẻ hạn chế cho các nhóm có quan hệ.
Mười một là, dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị là một yêu cầu cấp thiết. Muốn vậy trước hết chúng ta cần phải loại bỏ các trở ngại để cho việc dịch chuyển này diễn ra một cách thuận lợi và dễ dàng hơn, trước khi nói đến sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp cho quá trình dịch chuyển đó diễn ra nhanh hơn. Việc hạn chế cạnh tranh cũng sẽ khiến cho mọi nỗ lực để nâng cấp các chuỗi giá trị trở nên khó thành công hơn.
Mười hai là, cải cách khu vực tài chính nông nghiệp-nông thôn, tăng độ sâu tài chính, tăng khả năng tiếp cận và đa dạng nguồn vốn cho nông nghiệp, không chỉ phụ thuộc vào vốn ngân hàng mà còn các nguồn vốn khác như tín dụng thương mại, tín dụng nhà cung cấp, các chương trình trái phiếu cho đầu tư hạ tầng nông nghiệp, các quỹ đầu tư tư nhân cho nông nghiệp, thành lập các ngân hàng hợp tác xã nông nghiệp để thay thế cho các hình thức tín dụng vi mô, tín dụng phi chính thức.
Mười ba là, hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình đối tác công tư (PPP) trong nông nghiệp, không chỉ cho đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp-nông thôn mà còn cho cả các mối quan hệ “mềm” trong hợp tác, phân chia trách nhiệm, đóng góp nguồn lực, chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa nhà nước (lợi ích kinh tế) và tư nhân (lợi ích tài chính).
Mười bốn là, hỗ trợ mạnh mẽ quá trình hội nhập sâu hơn vào thị trường nông sản thực phẩm quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia mạnh mẽ vào các liên kết sản xuất, tận dụng triệt để các cơ hội từ các hiệp định FTAs đang mở ra.
Tóm lại, cải cách và thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp lớn và hiện đại là cả một quá trình dài với rất nhiều vấn đề lớn và phức tạp cần được tiếp tục giải quyết. Hy vọng năm 2018, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ còn đạt được nhiều thành tích hơn thế và người nông dân ai cũng xứng đáng được hưởng thành quả tăng trưởng, không ai bị bỏ lại hay gạt ra rìa của sự phát triển như trong nhiều phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam)
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã