Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.
Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh như thế nào, thưa ông?
- Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tính đến tháng 6.2012, công tác quy hoạch NTM đã đồng loạt được thực hiện tại 143 xã, trong đó tập trung cao độ ở 35 xã điểm. Đến nay, đã có 20 xã phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, các xã còn lại phấn đấu hoàn thành trước 30.9 tới. Bên cạnh việc quy hoạch, hiện chúng tôi đã hướng dẫn các xã lập Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, cây chè sẽ được Thái Nguyên chú trọng đầu tư cả về chất lượng và số lượng. |
Đến nay 35 xã điểm đã xây dựng và trình phê duyệt, các xã còn lại phấn đấu hoàn thành trong quý IV năm nay. Nếu xét theo 19 tiêu chí, thống kê đến 30.6, chúng tôi đã có 5 xã đạt từ 12-14 tiêu chí, 9 xã đạt từ 10-11 tiêu chí, 15 xã đạt từ 8-9 tiêu chí, 44 xã đạt 5-7 tiêu chí và 70 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015, 35 xã điểm sẽ về đích, đạt khoảng gần 30%.
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM hiện nay vẫn là vốn, vậy Thái Nguyên sẽ huy động những nguồn vốn nào để thực hiện chương trình này?
- Ngoài nguồn vốn T.Ư, hiện Thái Nguyên đang vay 40.000 tấn xi măng để đầu tư cho các xã xây dựng NTM. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ cho mỗi xã điểm 2 tỷ đồng, các xã còn lại 600 triệu đồng, trung bình mỗi năm chi cho chương trình 175 tỷ đồng cho 143 xã. Ngoài ra, nếu Chính phủ cho vay tiền, xi măng, chúng tôi sẽ tiếp tục vay để làm. Vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định rõ ràng, đâu là đường Nhà nước hỗ trợ, đâu là đường người dân phải tự đóng góp, hiến đất để xây dựng nhằm tránh tư tưởng ỷ lại và tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn ha đất để xây dựng NTM.
Vậy trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nào?
- Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được chúng tôi quan tâm, trong đó có chương trình xây dựng và phát triển diện tích, thương hiệu cây chè. Dự kiến, chúng tôi sẽ đầu tư vào đây khoảng 60 tỷ đồng để sản xuất giống và cấp không giống chè cho bà con. Nhưng trong tương lai, lâm nghiệp và chăn nuôi mới là lĩnh vực giúp Thái Nguyên tăng trưởng GDP. Thái Nguyên không phải là tỉnh có nhiều rừng, nhưng chúng tôi sẽ vận dụng có thể sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt, hoặc trồng nấm… sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng những cánh rừng mẫu, dưới các tán rừng sẽ trồng các cây dược liệu.
Ông Đặng Viết Thuần
Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên có ưu tiên cho xã điểm không và quan điểm của tỉnh về vấn đề này như thế nào?
- Quan điểm của Thái Nguyên là không ưu tiên tiêu chí cụ thể, bởi các xã có những thuận lợi, khó khăn khác nhau, nên phải vận dụng một cách linh hoạt. Làm tiêu chí gì thì làm, nhưng quan trọng nhất là làm sao nâng được đời sống của người dân. Chúng tôi cũng xác định cán bộ cơ sở có vai trò quan trọng đối với thành công của Chương trình xây dựng NTM. Do đó, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm cán bộ khuyến nông chuyên trách theo dõi NTM, mỗi xã sẽ được biên chế ít nhất một cán bộ phụ trách Chương trình xây dựng NTM.
Xin cảm ơn ông!
Việt Tùng – Thanh Xuân (thực hiện)
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã