Theo đề án lãnh đạo Vinacas đưa ra, doanh nghiệp muốn xuất khẩu điều phải có công suất nhà máy từ 2.500 tấn/năm… - Ảnh: Q.Thuần |
Theo đề án mà lãnh đạo Vinacas gồm chủ tịch, phó chủ tịch trình bày trong buổi làm việc ngày 14.11 với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) điều nếu muốn được cấp phép XK phải có công suất nhà máy từ 2.500 tấn/năm, phải đáp ứng các yêu cầu chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm như ISO, HACCP… Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Vinacas, phân tích: Không ít DN một năm chỉ XK được vài container nhưng lại bán với giá rất thấp khiến các DN XK chủ lực lao đao và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của toàn ngành. Học theo cách làm của ngành XK gạo, lãnh đạo Vinacas đã đệ trình Bộ NN-PTNT đề án XK điều có điều kiện, nhằm chấn chỉnh lại các DN XK, giúp nâng cao giá bán điều. Sau buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có văn bản thông báo kết luận với nội dung: “Thống nhất với Vinacas về chủ trương, phương hướng khôi phục sản xuất, chế biến và XK ngành điều, yêu cầu Vinacas khẩn trương tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể phát triển sản xuất ngành điều cũng như lộ trình triển khai, trách nhiệm của các bên liên quan”.
Tuy nhiên, khi biết được thông tin trên, nhiều DN trong ngành đã kịch liệt phản đối.
Phục vụ lợi ích nhóm
|
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An (Bình Phước), phản ứng mạnh mẽ: “Tôi ủng hộ việc nâng cao chất lượng sản phẩm điều, nhưng muốn làm phải dân chủ, công khai, chứ không phải lén lút, không cho hội viên biết để góp ý. Tôi là hội viên chính thức của Vinacas mà hoàn toàn không biết gì chuyện này cả. Đề xuất phải có công suất nhà máy 2.500 tấn/năm mới được XK điều là sự áp đặt vô lý. Hiện nay công suất ngành điều đã thừa rất nhiều, không đủ nguyên liệu để chế biến và hằng năm phải nhập khẩu 50% điều thô nguyên liệu. Nếu nhà máy nào cũng nâng công suất lên 2.500 tấn/năm thì phải có 1 triệu ha điều nữa mới đáp ứng đủ. Đề án này nếu được ban hành chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm DN, chứ không phải phục vụ cho ngành điều. Một khi số lượng DN được phép XK bị hạn chế, ai đảm bảo những DN còn lại sẽ không hiệp thương, bắt tay để ép giá nông dân. Nếu 70% DN vừa và nhỏ bị loại khỏi cuộc chơi thì những DN còn lại có đủ tài chính thu mua điều trong dân hay không? Trong khi cứ đến mùa điều là Vinacas lại có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn vay cho các nhà máy!”.
Ông Đỗ Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Tấn Toàn (Bình Phước), bức xúc: “Mỗi thị trường đều đã có rào cản kỹ thuật riêng, nên bản thân các DN phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này mới được XK, nếu không thì dần dần cũng tự đào thải. Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành quy trình chế biến hạt điều nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở chế biến, XK. Việc Vinacas tự đề xuất đề án XK có điều kiện chẳng khác nào quay lại cơ chế xin cho, áp đặt quota, giấy phép con… nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm DN, chứ không phải vì mục tiêu chung của toàn ngành”.
Ngay ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Long Sơn, DN Việt Nam XK điều lớn nhất hiện nay, cũng phản đối đề án của Vinacas. “Tôi là ủy viên Ban Chấp hành Vinacas, hôm họp chính tôi đã phản đối và nói rõ đề án như vậy không ổn. Nếu bảo DN nhỏ bán hàng chất lượng xấu làm ảnh hưởng đến uy tín ngành điều là không đúng. Uy tín Vinacas yếu là do nhiều DN của Vinacas không mạnh. Các DN “lớn” ngành điều cũng đang gánh nợ nần tài chính chưa giải quyết được nên Vinacas áp đặt điều kiện để loại bỏ DN nhỏ là hoàn toàn phi lý”.
Quang Thuần
Theo Thanh Niên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã