Trong một xã hội hiện đại và bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay, an toàn thực phẩm đã và đang là vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Trong ngành nông nghiệp nói riêng, phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp là 2 mục tiêu lớn đang được Bộ NN-PTNT hướng đến. Và để có thể nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp thì an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt.
Nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm an toàn, Bộ NN-PTNT đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để thực hiện Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp được lựa chọn, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Dự án về an toàn thực phẩm này cũng là một trong những vấn đề được Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đặc biệt quan tâm.
Dự án sẽ được thực hiện trong phạm vi Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp trong thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng vốn dự kiến khoảng 343,48 triệu USD.
Trong đó vốn vay ưu đãi là 211,17 triệu USD, chiếm 61,6% tổng nguồn vốn. Vốn không hoàn lại theo dự kiến là 6 triệu USD sẽ do Bộ NN-PTNT quản lý, chiến 1,75% tổng nguồn vốn.
Vốn đối ứng trong nước là 40,36 triệu USD, chiến 11,8% tổng nguồn vốn. Và vốn tư nhân là 85,42 triệu USD, chiếm 24,9% tổng nguồn vốn.
Tại Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam, Bộ NN-PTNT dự kiến sẽ thực hiện 4 hợp phần. Hợp phần 1 là đầu tư thí điểm hệ thống trung tâm giao dịch nông sản hiện đại quốc gia. Hợp phần 2 là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quản lý chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn quốc gia. Hợp phần 3 là ứng dụng công nghệ, hoàn thiện thể chế, chính sách quốc gia về an toàn thực phẩm. Hợp phần 4 là quản lý dự án.
Các tỉnh, thành phố tham gia dự án cũng được đề xuất thực hiện 4 hợp phần. Hợp phần 1 là cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn. Hợp phần 2 là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hợp phần 3 là đầu tư quản lý chất lượng chuỗi giá trị thực phẩm an toàn. Hợp phần 4 là quản lý dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực phẩm an toàn giúp người dân đảm bảo được sức khỏe đồng thời đáp ứng kịp với nhiều yêu cầu của thời đại mới. Qua đó có thể tiến tới việc truy xuất được nguồn gốc của tất cả loại thực phẩm.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh tiến độ thực hiện dự án rất quan trọng. Cho đến nay phần nội dung cơ bản của dự án đã được xây dựng bài bản, các tỉnh tham gia dự án cần sớm hoàn thiện phần công việc của mình theo đúng tiến độ được giao đồng thời thống nhất cao những nội dung để đồng hành cùng Ngân hàng Thế giới.
Nhận định về vai trò của công tác đảm an toàn thực phẩm nông nghiệp tại thủ đô Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế xã hội của thủ đô, đồng thời cũng tạo điều kiện các tỉnh lân cận phát triển.
“Thủ đô Hà Nội với vị trí, địa bàn hành chính đặc biệt quan trọng, số lượng dân cư trên 13 triệu người, tuy đã có nhiều chuỗi sản xuất nông nghiệp nhưng sản lượng vẫn còn hạn chế, sức lan tỏa còn ở mức độ chưa cao. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Thế nên TP Hà Nội nên quan tâm và có chỉ đạo sát sao tới dự án này. Bộ NN-PTNT và Ban quản lý các dự án nông nghiệp sẽ hỗ trợ tối đa cho TP. Hà Nội”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/an-toan-thuc-pham-giup-ha-noi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-d296406.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã