Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, ngành thủy sản cần xây dựng thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững; hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.
Mục tiêu chung đến năm 2030 cần phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội...
Một số chỉ tiêu chủ yếu mà ngành thủy sản cần phấn đấu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, để ngành thủy sản đạt được những mục tiêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, và nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy sản là một giải pháp được xem là quan trọng hàng đầu.
Để kịp thời có nguồn lực triển khai nâng cấp hạ tầng cho ngành thủy sản, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương cùng với các địa phương rà soát để triển khai Dự án Phát triển thủy sản bền vững nhằm kịp thời có nguồn lực triển khai nâng cấp hạ tầng cho ngành thủy sản phục vụ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là dự án có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án sẽ dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2021-2026, sẽ mang ý nghĩa rất lớn cho ngành thủy sản. Đây cũng là một trong những dự án giúp Việt Nam gỡ "thẻ vàng" IUU.
Theo đó, Dự án có mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và giá trị gia tăng sản phẩm thuỷ sản, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản và trang thiết bị cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ chọn tạo giống tôm bố mẹ nhằm chủ động sản xuất trong nước tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh.
Đồng thời, tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); giảm tổn thất sau khai thác hải sản, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị sản phẩm tôm nuôi, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối với các địa phương, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá hiện đại, đồng bộ; hình thành và phát triển các trung tâm nghề cá lớn có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm nước lợ tập trung nhằm sản xuất tôm giống có chất lượng cao, sạch các tác nhân gây bệnh, nuôi tôm có hiệu quả...
Nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai dự án, ngày 9/7, Bộ NN-PTNT đã họp trực tuyến trực tuyến với một số tỉnh ven biển khai dự án như Nghệ An, Bình Thuận, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau...
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương triển khai dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, thành lập đầu mối để triển khai, phối hợp với WB, Ban quản lý các dự án nông nghiệp cũng như Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ NN-PTNT.
Ngoài ra các địa phương cần hoàn thiện những quy trình căn cứ pháp lý cũng như đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; chuẩn bị, bố trí nguồn vốn đối ứng; rà soát và cụ thể hóa những hành động để đảm bảo hiệu quả đầu tư ở mức cao nhất.
Cùng với đó, các tỉnh cần chỉ đạo các Sở ban ngành tập trung cao độ để đảm bảo tiến độ triển khai dự án trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 2 triệu tấn (tăng 1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4%).
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ năm 2020.
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/khan-truong-trien-khai-du-an-phat-trien-thuy-san-ben-vung-d296410.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã