Đi chậm, về sau
Cùng thực hiện chương trình xây dựng NTM nhưng so với vùng đồng bằng ở miền Trung, khu vực BNVB “đi chậm” và “về sau”. Nguyên nhân là do khi bắt tay thực hiện, các xã đều có xuất phát điểm quá thấp. Trong khi đó, diện tích đất đai rộng, người thưa và thiếu nguồn lực. Quảng Nam có 16 xã; Quảng Bình và Quảng Trị mỗi tỉnh đều có 12 xã BNVB với thực trạng khó khăn tương đồng nhau. Hiện nay, xã có điều kiện thuận lợi trong số 40 xã BNVB của ba tỉnh đều đã về đích NTM, số còn lại là những xã có rất nhiều khó khăn. Theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Hoàng Tiến Cường, tại sáu xã BNVB chưa đạt NTM, các tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó và cần kinh phí lớn, thời gian thực hiện dài, như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Ngoài ra, một số tiêu chí khác như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp mới mang lại kết quả.
Tại hai tỉnh Bắc Trung Bộ là Quảng Bình và Quảng Trị, tiến độ xây dựng NTM vùng ven biển bị chậm lại do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016. Riêng tại Quảng Bình, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và nguồn lợi thủy sản gần bờ, sự cố đã tác động không nhỏ đến đời sống, tâm lý của người dân. Đơn cử tại xã Quảng Phú, xã BNVB đầu tiên tại Quảng Bình đạt chuẩn NTM năm 2016. Sự cố môi trường biển đã tác động trực tiếp đến các vùng nuôi thủy sản và nhất là nghề làm muối, nghề truyền thống của địa phương, làm giảm số thu ngân sách của xã, kinh tế hộ gia đình gặp khó khăn, số hộ cận nghèo, tái nghèo cao.
Đánh giá về công tác xây dựng NTM ở vùng bãi ngang Quảng Trị, Phó Văn phòng điều phối NTM tỉnh Trần Trọng Tuấn cho biết, khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này, các xã BNVB Quảng Trị có kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp và thiếu việc làm nên nhiều lao động phải đi làm ăn xa quê. Mặt khác, kinh phí của Nhà nước dành cho chương trình ở khu vực này còn thấp, việc huy động nguồn lực trong dân cư hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng xây dựng NTM. Tuy vậy, trong 12 xã BNVB của Quảng Trị đã có ba xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang, Triệu Phước được công nhận đạt chuẩn và đến tháng 7-2020, chín xã còn lại đạt bình quân 15,36 tiêu chí/ xã, trong đó có ba xã sẽ đạt chuẩn vào cuối năm nay. Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân vùng biển nghèo Quảng Trị.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, cùng với các điều kiện tự nhiên và thời tiết không thuận lợi, việc huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa ở các xã đặc biệt khó khăn vùng BNVB, hải đảo còn nhiều khó khăn do vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ xây dựng NTM. Mặt khác, trong quá trình triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn NTM ở một số xã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, bộ mặt nông thôn chưa thật sự đẹp; công tác chỉ đạo của chính quyền các cấp chưa thật sự quyết liệt, phong trào chưa đi vào thực chất, sự tham gia của người dân còn hạn chế.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Qua 10 năm xây dựng NTM ở các tỉnh miền trung, hầu hết các xã vùng đồng bằng đều hoàn thành mục tiêu, đang phấn đấu trở thành những xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ở vùng BNVB vẫn chậm so với yêu cầu. Vì vậy, các địa phương vừa qua đều có đánh giá kết quả bước đầu, rút ra kinh nghiệm và có các giải pháp đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM vùng BNVB thích ứng biến đổi khí hậu. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật, muốn tạo đột phá trong xây dựng NTM ở vùng cát ven biển, cần tập trung hai vấn đề chính là xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế cho người dân. Nếu trước đây, người dân vùng bãi ngang Quảng Bình vẫn bám lấy nghề đi biển vùng lộng dù thu nhập khá bấp bênh thì từ sau sự cố ô nhiễm biển, nhiều ngư dân chuyển sang nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Hiện nay, trên vùng cát ven biển của tỉnh, nhiều doanh nghiệp và hàng trăm hộ gia đình thuê đất để nuôi tôm và các loài thủy sản có giá trị. Anh Võ Ðại Nghĩa, chủ trang trại Thanh Hương ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, khu trang trại của anh rộng 34 ha, trong đó 15 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch mỗi năm 350 đến 400 tấn. Diện tích còn lại, anh quy hoạch bài bản để nuôi lợn, gà và cá xen giữa những khoảnh rừng phi lao. Bình quân mỗi năm, trang trại của anh Nghĩa thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động. Còn tại hai xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, nghề nuôi cá nước ngọt trong ao cát giúp cho người dân mở hướng làm ăn mới, thu nhập cao hơn. Thuận lợi là nguồn nước ngọt trong cát phong phú, thức ăn từ biển dồi dào và thị trường khá rộng. Hầu như ở xã nào cũng có nhiều người đào ao nuôi cá lóc với diện tích 100 đến 200 m2. Mỗi năm, nhờ nuôi thủy sản, bình quân mỗi hộ gia đình có thu nhập 100 đến 150 triệu đồng, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, cuối năm 2018, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án hỗ trợ thôn, bản của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng BNVB và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngoài 40 thôn được hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam xây dựng kế hoạch và dùng ngân sách để triển khai thêm 62 thôn nữa. Với kế hoạch đó, cuối năm nay, Quảng Nam phấn đấu có bốn xã vùng BNVB và hải đảo đạt chuẩn NTM, tám thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM… Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh hỗ trợ các xã hơn 45 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các khu dân cư NTM kiểu mẫu và thôn NTM; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự đóng góp của cộng đồng để xây dựng NTM. Qua đó phát huy cao nhất vai trò chủ thể của người dân để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và những nét đặc thù của từng vùng, miền.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, những năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã BNVB xây dựng NTM với việc phân bổ vốn cao gấp bốn lần so với các xã khác, mỗi năm bình quân một xã 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn được lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án khác, nhờ đó cơ sở hạ tầng các xã BNVB được đầu tư đáng kể, vừa tạo cảnh quan nông thôn khang trang hơn vừa góp phần phục vụ tốt nhu cầu đời sống và sinh hoạt cho người dân địa phương. Trong sản xuất, những hộ có hoàn cảnh khó khăn, nguồn lực và năng lực hạn chế đã được địa phương ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Sau 5 năm chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân BNVB cho thấy, việc kết hợp khai thác biển và sản xuất nông nghiệp trên đất cát ở Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư dự án, mô hình sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao đầu tư trồng dứa ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho nhiều xã. Ðến nay, có hơn 300 mô hình sản xuất, trong đó nhiều mô hình trồng cây ăn quả và các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, vùng BNVB miền trung là địa bàn mà một số tiêu chí trong xây dựng NTM thường xuyên bị biến động và ảnh hưởng, như tiêu chí an ninh trật tự, hệ thống chính trị, tiêu chí môi trường... Vì vậy, trong quá trình thực hiện các địa phương không được chủ quan mà cần có giải pháp cụ thể để vừa thực hiện các tiêu chí chưa đạt, vừa giữ vững các tiêu chí đã đạt.
Chính quyền và nhân dân vùng BNVB cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình kinh tế trên vùng cát ven biển cho hiệu quả cao; làm tốt việc quảng bá và xây dựng thương hiệu, kết nối các doanh nghiệp để bao tiêu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương... Các tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ tăng thêm ít nhất hai lần nguồn lực so với giai đoạn 2016-2020 để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện chương trình NTM đạt hiệu quả, bền vững hơn. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất như hướng dẫn xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng dẫn cho người dân phương pháp làm du lịch cộng đồng; làm du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa vùng đất... để phát huy hiệu quả thế mạnh của vùng và tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển.
VPĐP NTM TTH (Tổng hợp)
Nguồn tin: nongthonmoithuathienhue.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã