Không ngại học hỏi
Bà Hoàng Thị Chắp là người dân tộc Giáy, dù đã ở tuổi ngũ thập song từ tính cách đến sức khỏe rất "thanh niên", tự lái ôtô bán tải đi bán cá giống khắp các tỉnh.
Trò chuyện cùng PV Báo NTNN, bà Chắp cho biết, trong những năm trước đây, cuộc sống và kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bản thân bà và gia đình luôn trăn trở suy nghĩ đi đâu, làm gì để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Đầu những năm 1990, vợ chồng bà Chắp khi ấy vẫn rất trăn trở tìm cách thoát khỏi cái nghèo cứ đeo bám gia đình. Vừa hay lúc ấy trại cá giống tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) - tiền thân của Hợp tác xã Cốc San - bàn giao đất cho nông dân, bà bàn với gia đình nhận toàn bộ 2,3ha ao về để nuôi cá, trong đó có 1,2ha mặt nước ương nuôi cá giống các loại.
Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn, như cá bố mẹ bị bệnh, khó kiểm soát thời gian cá đẻ…
Nhận thấy những khó khăn đó đến từ việc thiếu kiến thức, vợ chồng bà mạnh dạn tìm đến các kỹ sư tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để tham vấn, đồng thời học hỏi kinh nghiệm trực tiếp ở nhiều mô hình nuôi cá khác trong và ngoài tỉnh, cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Nhờ đó, vợ chồng bà Chắp dần thành thạo kỹ thuật lựa chọn giống cá, không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương mà còn phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ban đầu, bà Chắp nuôi thử nghiệm nhiều loại cá như: Cá mè, trắm cỏ, chép, trôi, rô phi... Những loài cá này dễ nuôi nhưng hiệu qua kinh tế mang lại không cao như mong muốn. Đến khi tìm hiểu về loại cá bỗng - loài cá thường dùng tiến vua ngày xưa, bà Chắp nhận thấy đây là loài cá có nhiều triển vọng, cho giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon.
Thực tế nuôi thử tại gia đình cho thấy, cá bỗng có sức kháng bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nuôi được với mật độ cao, đầu ra tương đối ổn định nên bà Chắp quyết định đầu tư nuôi cá bỗng thương phẩm.
Với những thành công đã đạt được, gia đình bà Hoàng Thị Chắp đã đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương, được tặng nhiều giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Lào Cai. Năm 2015, bà Chắp đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc của cả nước.
Bà Chắp cho hay, cá bỗng là loài cá ăn tạp nên chi phí thức ăn nuôi thương phẩm khá thấp. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn tự chế với hàm lượng đạm từ 30 - 35% để cho cá ăn. Mật độ nuôi trong ao có thể đạt 60 - 70 con/m3 và giảm dần theo từng giai đoạn phát triển của cá. Khi cá lớn, mật độ nuôi từ 5 - 7 con/m2 ao là tốt nhất.
Để tận dụng hiệu quả hơn nữa diện tích mặt nước, bà Hoàng Thị Chắp tiến hành nuôi ghép cá bỗng với một số loài cá khác trong ao như cá trắm đen, cá chép lai, rô phi đơn tính. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, nuôi 1 năm có thể đạt trọng lượng trung bình từ 1,2 - 1,5kg/con, sau 2 năm cá đạt trọng lượng 2,2 - 2,5kg/con.
"Cá bỗng giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa thích" - bà Chắp chia sẻ. Hiện, bà Chắp bán cá bỗng ra thị trường với giá từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Khách hàng thường xuyên của gia đình bà chủ yếu là các nhà hàng chuyên đồ đặc sản ở Lào Cai và các tỉnh lân cận như Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang.
Địa chỉ cung ứng cá giống uy tín
Bà Hoàng Thị Chắp tiết lộ, riêng nuôi cá bỗng thương phẩm, mỗi năm gia đình bà lãi khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Sau gần 20 năm đầu tư và phát triển, đến nay trang trại của bà đã trở thành địa chỉ ương nuôi và bán cá giống có uy tín tại Lào Cai, mỗi năm bán ra thị trường từ 3-4 lứa cá giống, mỗi lứa 3 triệu con các loại, đạt doanh thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.
Bà Chắp thổ lộ: "Tôi phải sang tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tìm giống cá chép lớn, đẹp mang về ương giống. Giống cá chép này mình dài, bóng vàng, trọng lượng đạt tới 2-3kg/con sau 8-9 tháng nuôi. Đây cũng chính là loại cá đem lại uy tín, thương hiệu cho trại cá chúng tôi".
Hiện, trang trại của bà Chắp đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động tại địa phương, 40 - 50 lao động theo mùa vụ với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
"Hàng năm, gia đình tôi còn giúp đỡ những hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo" - bà Chắp chia sẻ.
Với sự giúp đỡ này, một số gia đình hội viên phụ nữ ở địa phương như các chị: Hoàng Thị Liên, Lương Thị Tiến… đã có điều kiện thoát nghèo bền vững, thu nhập ổn định. Hiện nay, gia đình bà Chắp đã liên kết với 3 hộ trong xã nuôi, sản xuất cá giống để đáp ứng nguồn cá giống cho các hộ nông dân ở Lào Cai và các tỉnh lân cận.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/nu-hoang-nuoi-ca-tien-vua-o-dat-coc-san-20201007170359004.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã