Anh chàng mang trong mình “dòng máu” nghệ sỹ
Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1988) quê ở phường Hương Sơ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một người mang sẵn trong mình “dòng máu” nghệ thuật.
Thảo tốt nghiệp khoa Đồ họa năm 2014. Trong quãng thời là sinh viên (2009 - 2014) và cả sau khi tốt nghiệp, Thảo đã tham gia nhiều hoạt động triển lãm nghệ thuật.
Điển hình, anh đã tham gia triển lãm ngày truyền thống sinh viên; tham gia triển lãm Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc các năm 2014, 2017; tham gia cuộc thi sản phẩm quà tặng lưu niệm Huế 2017. Đặc biệt, Thảo đã đạt giải A cuộc thi “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018.
Thảo chia sẻ, trong những năm qua, việc tham gia các cuộc triển lãm nghệ thuật, các cuộc thi đã giúp anh học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm và thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình.
“Bén duyên” với cây sen
Theo lời tâm sự của Thảo, sau khi tốt nghiệp, anh đã sáng tác nghệ thuật nhiều hơn, tuy nhiên, thời gian này anh chưa xác định được cụ thể con đường đi cho mình. Công việc của Thảo trong thời gian này là vẽ tranh bút lửa tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế.
Trong các hoạt động nghệ thuật này, Thảo đã được “đụng độ” với các sản phẩm nghệ thuật gắn liền với sen. Rồi một lần đi hái lá sen, nhận thấy nó giống như hình chiếc nón, Thảo đã tự hỏi: sao mình không làm nón bằng lá sen? Ý tưởng đó đã thôi thúc Thảo tìm hiểu và bắt tay vào để làm nón bằng lá sen.
“Mình bắt đầu có ý tưởng làm nón bằng lá sen vào khoảng năm 2017, nhưng phải tới năm 2018 sản phẩm của mình mới được ra đời. Sau đó, mình đã đưa nón lá sen đi triển lãm tại nhiều nơi để giới thiệu với mọi người. Giờ này nón sen đã được nhiều người biết đến, sử dụng. Mình đang tiếp tục đưa lá sen vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác”, anh Thảo chia sẻ.
Đến nay, anh Thảo thống kê được cơ sở của anh đang dùng lá sen để làm ra 16 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, trong số này phổ biến nhất là nón, túi sách, miếng lót ly…
Cùng với đó, chàng thanh niên này còn tận dụng các các phụ phẩm tưởng chừng bị bỏ đi của cây sen để làm hương. “Mình muốn dành sản phẩm này cho những người trồng sen, vì nếu họ biết cách tận dụng thì có thể làm ra nhiều sản phẩm từ đó tăng thêm thu nhập. Hương làm từ sen cháy lâu hơn và ít khói hơn các loại khác”, anh Thảo bày tỏ tâm tư.
Không ngừng hoàn thiện và phát triển sản phẩm từ cây sen
“Mình sẽ giữ đặc trưng của mình trong các sản phẩm không chạy theo trào lưu. Tuy nhiên, mình sẽ cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm làm từ sen có tính thiết thực cao dù đó là sản phẩm ứng dụng phục vụ trực tiếp đời sống hằng ngày của mỗi người hay đó là sản phẩm phục vụ nghệ thuật”, anh Thảo cho biết.
Năm 2020, cơ sở của anh Thảo đã cho ra đời sản phẩm nón lá sen xuyên sáng. Đây là sản phẩm có màu sắc đa dạng hơn so với dòng sản phẩm trước đó (xanh, tím và nâu). Đặc biệt, loại nón này có thể gấp lại thành một mặt phẳng rất thuận lợi cho mọi người trong quá trình mang theo.
“Mình thấy, rất nhiều người thích nón lá sen và nó rất đẹp khi kết hợp với áo dài. Nhưng, không phải trang phục nào cũng phù hợp với nón màu xanh, tím và nâu nên mình đã tạo ra loại nón lá xuyên sáng. Loại này càng đẹp hơn khi có ánh nắng chiếu từ trên xuống. Tuy nhiên, nó không dùng được trong trời mưa”, anh Thảo giới thiệu về sản phẩm mới của mình.
Nói thêm về các sản phẩm được làm ra từ sen, anh Thảo nhận định, nếu hoàn thiện hơn nữa, các loại túi sách làm từ lá sen có thể xuất khẩu bởi tính ứng dụng và sự thân thiện với môi trường của nó. Chàng thanh niên này cho biết rằng, khách du lịch nước ngoài khá hứng thú với loại túi sách nói trên.
Xây dựng nón lá sen và đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cây sen trở thành sản phẩm OCOP
Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai anh Thảo cho hay, bản thân đang tìm kiếm mặt bằng để sớm ổn định sản xuất. Tiếp đó, sẽ đăng ký và xây dựng, phát triển nón lá sen và đồ dùng làm từ cây sen trở thành sản phẩm OCOP.
Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Tần cho biết, vừa qua anh Thảo đã đăng ký để nón lá sen trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo kết quả của cơ quan chức năng, sản phẩm này đã vượt qua sơ khảo lần 1.
Đánh giá về nón làm bằng lá sen nói riêng và các sản phẩm làm từ cây sen nói chung của anh Thảo, ông Tần cho rằng, cá nhân Thảo là một người sáng tạo và các sản phẩm nói trên đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho người trồng sen.
Lời khuyên từ phía Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế dành cho anh Thảo và sản phẩm nón làm bằng lá sen là nên sớm đăng ký để trở thành sản phẩm OCOP tại thành phố Huế để có sự phát triển ổn định hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã