Để đến được "đại bản doanh" của "vua cam Vinh" trên đất Cao Bằng, chúng tôi phải vượt qua hơn 15km đường với bạt ngàn đá hộc, ổ voi, sống trâu. Dốc đèo hun hút khiến bắp chân chúng tôi căng cứng, chuột rút vì ghè phanh. Chiếc xe máy chốc chốc lại chồm lên như con thú hoang rồi lạng lái theo những khúc cua.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) bảo, con đường này xuống cấp đã lâu, từ khi có đường mới, ít người qua lại, chỉ dân địa phương là vẫn phải cố đi thôi.
Chừng 11h30, chúng tôi cũng đến được đại bản doanh của "vua cam Vinh" tại thôn Kéo Quý, xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Cả một đàn chó dễ hơn 10 con lao ra như hổ báo đòi "ăn thua" với khách đường xa. Anh Nguyễn Văn Tập to cao lừng lững, mặt đỏ gay vì nắng chạy ra quát đám chó rồi nhoẻn miệng niềm nở đón khách.
"Vua cam Vinh" bảo ở trên này biệt lập, nuôi nhiều chó mới yên tâm được. Nhà Tập nằm lưng chừng núi, phóng tầm mắt đâu cũng chạm bạt ngàn cây. Đến ngay mình có bao nhiêu hecta rừng anh cũng không nhớ nổi, chỉ biết là đã trồng được khoảng 20ha cây mỡ, hồi các loại.
Nhấp chén trà, "vua cam Vinh" cười, không biết làm gì thì trồng cây thôi, ở đây đất nhiều, chỉ sợ không đủ sức mà trồng. Rồi anh dẫn chúng tôi men theo một lối mòn nhỏ dưới nhà để đến khu vườn trồng giống quýt bản địa. Ở đó có bạt ngàn hàng trăm cây quýt thơm đang vào vụ trĩu quả.
Anh Tập cho biết, hiện anh đang sở hữu hơn 5ha trồng cam Vinh, quýt bản địa và bưởi các loại. Trong đó nhiều nhất là cam Vinh với hơn 3ha. Chưa tính chăn nuôi, thu hoạch từ cây thạch đen và các loại cây lâu năm, chỉ tính cây có múi, trung bình gia đình thu hoạch được khoảng 20 tấn quả/vụ, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Tập, quýt bản địa có vị chua ngọt, mùi thơm rất khó cưỡng. Giống quýt này chỉ cần bóc vỏ, ở khoảng cách 20m cũng có thể nhận thấy hương thơm rất riêng có. Cam Vinh thì mọng nước, vị khó mà tả được, người mua rất ưa thích.
Anh Tập cho biết thêm, anh đã trồng quýt bản địa từ năm 1995, sau đó trồng cam Vinh, ngày ấy chủ yếu trồng ăn và làm quà. Sau này, quýt bản địa và cam Vinh của gia đình anh được thương lái biết và đến tận vườn thu mua, tiêu thụ rất tốt.
"Đất rừng trên này phù hợp cho trồng các loại cây có múi, đặc biệt là cây quýt bản địa và cam Vinh. Bệnh cây có múi thì cũng khá nhiều, lại cả nạn ruồi vàng nữa, nên phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời xử lý. Nói chung trồng cam Vinh, quýt bản địa không quá vất vả mà thu nhập cũng được", anh Tập chia sẻ.Từ "đại bản doanh" của gia đình anh Tập đến chợ khá xa, lại nhiều đèo dốc, 2 vợ chồng anh chị phải dùng xe ô tô bán tải để chở cam, quýt, bưởi ra ngoài thị trấn, thành phố đi tiêu thụ.
Vợ chồng anh Tập hiện đang dần chuyển giao công việc lại cho người con trai, với mong muốn con sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vườn cây có múi của gia đình.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Lý Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Thông cho biết, trên địa bàn xã có hơn 10 hộ tập trung trồng cây có múi. Tuy nhiên trồng cam Vinh và quýt bản địa thì hộ anh Nguyễn Văn Tập là nhiều nhất.
"Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương rất phù hợp với trồng các loại cây có múi, vậy nên trồng cây cam Vinh, quýt bản địa cho lợi nhuận gấp khoảng 4 lần so với trồng lúa hay một số loại cây khác. Hằng năm, chúng tôi cũng tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến các hội viên nông dân, hiện đã có hơn 10 hộ thực hiện.
Trồng cây quýt bản địa đầu tư không nhiều vì cây giống tự ươm được, chỉ cam ghép, cam lai là phải mua giống ở ngoài. Về đầu ra, hiện các chủ vườn tự tìm thị trường cho sản phẩm của mình là chủ yếu", ông Cương cho biết thêm.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/cao-bang-leo-len-nui-da-lac-vao-rung-trong-thu-cay-rat-quen-nhung-ra-trai-to-la-thuong-20201101093913883.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã