Học tập đạo đức HCM

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay Ngân hàng thế giới năm 2020

Chủ nhật - 01/11/2020 05:40
Sáng 28/10, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ, ngành, địa phương về giải ngân năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, 9 tháng đầu năm giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài của năm 2020 đạt trên 28% so với tổng dự toán được Chính phủ giao. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng so với tổng mức giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 thì vẫn còn thấp và chậm so với dự toán giao.

image

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị

“Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng như nguồn vay nước ngoài. Chính phủ đã tổ chức một số đoàn công tác làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương để trao đổi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Từ tháng 6/2020 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá tình hình giải ngân vốn cũng như trao đổi, tìm biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân trong quý 2 và quý 3 đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Trong tình hình chung như vậy, tỷ lệ giải ngân các dự án sử dụng vốn vay của World Bank cũng chưa được như kì vọng. Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, World Bank là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Hiện nay tổng vốn vay World Bank đã cam kết cho 36 chương trình, dự án đang triển khai là 7.369,5 triệu USD, trong đó 33 khoản vay đã ký hiệp định với số vốn vay là 6.589 triệu USD, 03 khoản vay mới đàm phán đã được phía IDA phê duyệt nhưng chưa ký hiệp định với số vốn vay là 506 triệu USD. Trong danh mục này, 8 khoản vay sẽ kết thúc giải ngân năm 2020, 10 khoản vay sẽ kết thúc giải ngân năm 2021.

image

Toàn cảnh Hội nghị

Về giải ngân, theo dự toán vốn năm 2020 của phía Việt Nam (tính từ ngày 1/1 tới ngày 30/9/2020), trị giá giải ngân vốn World Bank (theo phương thức trực tiếp và tạm ứng vào tài khoản đặc biệt) tăng 55% so với trị giá giải ngân 9 tháng năm 2019. Còn theo cách tính của Wold Bank dựa trên năm tài khóa 2021 (tính từ ngày 1/7/2020) có 18/36 khoản vay chưa giải ngân, dẫn đến tỷ lệ giải ngân theo cách tính của WB (số giải ngân/tổng vốn vay cam kết) năm 2021 là rất thấp. Bà Thảo cũng cho biết, tính đến 30/9/2020 có 34 dự án/tiểu dự án vay World Bank đề xuất trả lại kế hoạch vốn năm 2020 với tổng số kế hoạch vốn đề xuất trả lại bằng 34,6% tổng dự toán được giao của các dự án vay World Bank.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện một số Bộ như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường… cùng đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Dương… đã thông tin về tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay của World Bank. Theo đại diện các Bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân nguồn vốn vay này còn thấp là do những vướng mắc về phía dự án. Cụ thể, một số dự án phải điều chỉnh, gia hạn dẫn đến phải sửa đổi hiệp định vay; thiết kế dự án không phù hợp, khó triển khai; chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư: chậm duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, tổng dự toán; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chậm, công tác bồi thường tái định cư gặp khó khăn; năng lực nhà thầu hạn chế; dư vốn nhiều, phải đề xuất hủy vốn dư hoặc đề xuất mở rộng dự án để sử dụng vốn dư; việc gửi hồ sơ thẩm định, góp ý, ký hợp đồng vay lại còn chậm.

Một nguyên nhân khác cũng được các đại biểu đề cập tới trong Hội nghị đó là vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục. Cụ thể, các ý kiến cho rằng, mô hình dự án ODA, khoản vay gộp chưa phù hợp với quy định của Việt Nam và chưa thực sự thuận lợi đối với các cơ quan thực hiện; mô hình giải ngân dựa trên kết quả không hoàn toàn phù hợp với quy định của Việt Nam do các địa phương không đủ nguồn vốn để hoàn thành kết quả, qui định kiểm soát thanh toán vốn NSNN của Việt Nam là căn cứ chi phí hợp lệ được KBNN xác nhận, không căn cứ kết quả đầu ra được kiểm đếm…

image

Đại diện một số Bộ, ngành phát biểu tại Hội nghị

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn vay World Bank nói riêng và vốn vay nước ngoài của Chính phủ nói chung. Theo đó, đối với các cơ quan chủ quản cần tập trung thúc đẩy việc hoàn tất các nhiệm vụ đầu tư của năm 2020, khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án; đẩy nhanh việc lập hồ sơ thanh toán, gửi KBNN để xác nhận khối lượng hoàn thành và thực hiện thanh toán từ các tài khoản đặc biệt hoặc thanh toán trực tiếp, khẩn trương báo cáo chi tiêu để hoàn ứng, giảm vốn nhàn rỗi không sử dụng. Các địa phương cũng đề nghị các Bộ chủ quản các dự án ODA đẩy nhanh góp ý cho các địa phương các vấn đề báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế....

Kiến nghị đối với World Bank, tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương bày tỏ mong muốn World Bank sẽ cải tiến khâu thiết kế dự án, đàm phán, ký kết hiệp định như: loại bỏ phương thức dự án ODA để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam; bám sát quy định của phía Việt Nam để tránh vướng mắc trong khâu thực hiện; thẩm định kỹ để số vốn cam kết sát với nhu cầu sử dụng, sát với đơn giá, định mức của phía Việt Nam, tránh việc dự án phải trả vốn, hủy vốn, tỷ lệ giải ngân/vốn cam kết thấp; rà soát mô hình giải ngân dựa trên kết quả để có mô hình phù hợp, quản lý vốn vay hiệu quả; nghiên cứu tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp; đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến, nghiên cứu nâng cao hiệu quả phương thức thanh toán tài khoản đặc biệt và áp dụng phương thức thanh toán trực tiếp để giảm chi phí vay…

image

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các ý kiến tham luận đã giúp World Bank hiểu thêm và nắm bắt thông tin được đầy đủ hơn về tình hình triển khai các dự án của các Bộ, ngành, địa phương. Bà Carolyn Turk đã giải đáp một số kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và cho biết: “Khi cung cấp nguồn vốn cho Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có quy trình thủ tục riêng, Chính phủ Việt Nam cũng vậy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi có 2 hệ thống thì chắc chắn sẽ có vướng mắc, chậm trễ. Do vậy, chúng ta phải ngồi lại với nhau để bàn thảo tháo gỡ. World Bank sẽ nỗ lực hết sức tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tránh kéo dài gây ảnh hưởng tới quá trình triển khai và giải ngân của các dự án do World Bank hỗ trợ”.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, để thúc đẩy giải ngân, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng dự án, trao đổi với các đối tác phát triển để có các quy định phù hợp và đơn giản hóa trong các hiệp định vay, đẩy nhanh công tác thực hiện dự án và giải ngân. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác xử lý đơn rút vốn, ký kết hợp đồng cho vay lại, đối chiếu cho vay, thu nợ; nghiên cứu xây dựng dự án trang bị phần mềm để xử lý đơn rút vốn điện tử, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho công tác giải ngân, đồng thời đảm bảo quản lý an toàn nguồn vốn vay của NSNN.

T.N/https://www.mof.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập435
  • Hôm nay90,822
  • Tháng hiện tại795,935
  • Tổng lượt truy cập90,859,328
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây