Cơn mưa cuối chiều ràn rạt đuổi theo bước chân hối hả của những người đang trên phố đội mưa, tại một góc nhỏ của cơ sở sản xuất chân giò hầm, khâu nhục Nguyễn Thị Nhung, 4 nhân công vẫn tất bật với những nồi chân giò hầm cuối cùng để kịp cho vào túi, chất lên xe, chuẩn bị cho bữa tối của khách.
Nghe nhiều, đi nhiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi được "mục sở thị" một cơ sở sản xuất chân giò hầm ở phố núi có lượng hàng xuất bán ra thị trường nhiều đến vậy.
Những chiếc chân giò vàng ruộm được rút xương, quay hầm theo công thức độc nhất vô nhị của gia đình chị Nhung chỉ một loáng đã được đóng vào túi, dán tem trở đi, mẻ cuối ngày áng chừng cũng khoảng gần 100 chiếc.
Chị Nhung kể, gia đình nhà chồng chị có nghề làm chân giò hầm, bố chồng là người rất khéo, giỏi bếp núc, năm 1983 bố chồng chị đã nghĩ sẽ ra làm một món dễ ăn, ai cũng thích và món chân giò rút xương hầm hạt sen, nấm hương đã ra đời. Bố chồng chị làm nhà hàng và nổi tiếng với món chân giò hầm đặc biệt này.
"Năm 2011 bố chồng có tuổi không làm được nữa nên truyền dạy cho tôi. Đến năm 2014 tôi mới tiếp tục làm lại. Cũng là tình cờ thôi, lúc đầu có một anh làm đường bảo thích ăn nhưng không biết mua ở đâu, đã đặt tôi làm mấy chục chiếc, khi đó tôi đã làm 100 cái và bán hết luôn, rồi sau đó khách hàng trong huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến, đặt mua", chị Nhung nói.
"Thấy bán tốt, tôi đã quyết định đầu tư, mở rộng quy mô, thị trường, thuê thêm lao động. Hiện nay chúng tôi đang có hai cơ sở sản xuất. Sản phẩm được khách hàng tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng… rất chuộng" - chị Nhung kể.
Bắt đầu vào mùa Đông, món chân giò hầm và khau nhục không đủ đáp ứng thị trường, chúng tôi đang phải chậm một số đơn hàng tại Hà Nội. Riêng khau nhục, một món ăn rất đặc trưng của vùng núi Bắc Kạn, mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ được khoảng 30-50 bát (bát to có giá 180.000đ, bát nhỏ 130.000đ).
"Mỗi tháng cơ sở xuất bán cũng được chừng 1000 chiếc chân giò hầm. Chân giò hầm Hồng Quân của cơ sở chúng tôi hiện đang được bán với giá 200.000đ/chiếc", chị Nhung cho biết thêm.
"Rất may mắn khi sản phẩm của chúng tôi được tham gia chương trình OCOP của tỉnh, nên việc quảng bá sản phẩm cũng được tốt hơn; ngoài ra, chúng tôi được tập huấn nâng cao kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hỗ trợ chúng tôi các bước thủ tục, hỗ trợ kinh phí làm giấy tờ. Hiện nay siêu thị BigC đang làm thủ tục, chúng tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ cho họ", chủ cơ sở sản xuất chia sẻ.
Nhờ được chế biến kỹ nên vị, hương cùng thấm đều trong từng thớ thịt, chỉ chớm chạm môi, hương ấy, vị ấy đã tỏa lan trên đầu lưỡi, tràn trong khoang miệng, khiến người thưởng thức không thể nào cưỡng nổi.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lục Đình Hoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Đồn cho biết, Cơ sở sản xuất Chân giò hầm, Khâu nhục Nguyễn Thị Nhung có hai sản phẩm, trong đó Chân giò hầm Hồng Quân đã được công nhận sản phẩm OCOP từ năm 2018, còn Khâu nhục Hồng Quân tháng 9 vừa rồi mới chấm ở cấp huyện.
"Về thị trường, sản phẩm của cơ sở sản xuất này không đủ cung cấp do rất nhiều nơi có nhu cầu. Chúng tôi đã hỗ trợ cơ sở trong việc làm thủ tục để được gắn sao sản phẩm OCOP, hiện Phòng NN&PTNT đang tiếp tục hỗ trợ cơ sở về bao bì, nhãn mác", Trưởng Phòng NN&PTNT thông tin.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/nguoi-phu-nu-bac-kan-moi-thang-co-the-dua-ca-nghin-chiec-chan-gio-ham-di-khap-bac-trung-nam-20201101180211929.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã