Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều hưởng lợi
Triển khai Kế hoạch số 221/KH-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc phát triển Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2019-2020, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tạo hơn 200 gian hàng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn trên giao dịch trực tuyến của chợ. Hơn một năm qua, Chợ thương mại điện tử đã đăng ký tài khoản cho hơn 600 thành viên trang giao dịch trực tuyến; tiếp nhận hơn 20.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin hoặc mua hàng.
Ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ mở rộng phát triển loại hình chợ thương mại điện tử tới các quận, huyện, thị xã; bảo đảm 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố được giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và được hỗ trợ thực hiện các giao dịch, thanh toán điện tử trên Chợ thương mại điện tử.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, để gạo thơm Bối Khê của xã liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký bán hàng qua Chợ thương mại điện tử. Nhờ đó, số lượng tiêu thụ mỗi năm qua hợp đồng là 700 - 1.000 tấn. Thông qua Chợ thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo thơm Bối Khê của xã Tam Hưng, đã gọi điện và đặt hàng.
Còn theo ông Nguyễn Thái Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn, thông qua Chợ thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến các sản phẩm của công ty như: Thịt lợn, thịt gà, xúc xích, patê, các loại rau, củ, quả theo mùa… Đơn vị sẽ thúc đẩy kinh doanh theo hướng này trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Nói về những tiện ích của Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, bà Nguyễn Thị Hải Lý (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết: "Được người quen giới thiệu vào trang chonhaminh.gov.vn để mua sắm, tôi thấy các sản phẩm ở đây rất đa dạng, các loại thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Do mua trực tiếp từ nhà sản xuất, nên giá cả ổn định và các đơn vị bán hàng giao đến tận nhà…".
Tạo sức cạnh tranh
Theo bà Bùi Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (đơn vị được giao quản lý Chợ thương mại điện tử), nhằm tạo ra một kênh mua sắm hiện đại, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, tất cả sản phẩm doanh nghiệp, hợp tác xã đưa lên chợ đều được ngành Nông nghiệp kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng.
Mặt khác, Ban Quản lý chợ đã triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền, quảng bá Chợ thương mại điện tử tại địa chỉ chonhaminh.gov.vn cùng với các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các địa điểm đông dân cư, khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội...
Để vận hành có hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các điểm giới thiệu Chợ thương mại điện tử tại những địa điểm đông dân cư để doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Qua đó, doanh nghiệp có thể tìm hiểu được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để mô hình Chợ thương mại điện tử mang lại hiệu quả thật sự, Bộ NNPTNT cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QRcode cho nông sản... Trên cơ sở đó, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tuân thủ các quy định về chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, cần phải liên kết theo chuỗi giá trị để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với kênh mua sắm truyền thống.
Theo Ngọc Quỳnh/danviet.vn
https://danviet.vn/chi-viec-ngoi-nha-dan-thu-do-tha-ho-len-cho-thuong-mai-dien-tu-mua-ban-nong-san-an-toan-20200819171010383.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã