Ra đời năm 1991, tại Bình Dương, Công ty Vinamit nhanh chóng trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp khai thác và chế biến theo hướng Organic.
Hiện nay, các sản phẩm của Vinamit không chỉ có mặt tại nhiều chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước, mà còn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và nhiều nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore…
Mới đây, Vinamit tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nghiên cứu công nghệ sấy đông khô các loại nước trái cây tươi như mía, cà phê, thơm (dứa), chanh dây, cóc…
“Vậy, những công nghệ sấy đông khô đó có gì đặc biệt?”, tôi hỏi. Ông Viên đáp, công nghệ sấy khô đã có trên thế giới từ lâu, thậm chí phương pháp sấy thăng hoa, là nền tảng để tôi chế tạo ra thiết bị sấy mới này, đã ra đời cách đây cả 70 năm rồi.
Nhưng “sấy sao để có thể giữ được “sự sống”, còn nguyên vẹn tất cả những vitamin, vi lượng ở trong sản phẩm đó, giúp cho nông sản sau chế biến vẫn “như mới hái từ trên cây về” thì mới quan trọng. Thêm nữa, trước đây, người ta chỉ sấy thăng hoa các vật thể rắn thông thường, còn những sản phẩm lỏng như nước từ trái cây hay cây cỏ dược tính cao thì gần như chưa có ai làm cả", ông nói.
Ông Viên bảo, sấy sản phẩm thể lỏng so với thể rắn là vô cùng khó. “Hình dung đơn giản, muốn sấy đông khô một sản phẩm như nước trái cây cũng giống như phải sấy một viên nước đá, làm sao để sấy xong mà nước rút hết nhưng viên đá vẫn còn hình, chuyên gia về công nghệ sấy mà chỉ cần nghe tôi nói vậy là họ bó tay rồi. Lý do là bởi khi sấy một vật thể rắn như miếng xoài hay miếng mít, muốn khô thì người làm chỉ cần tăng nhiệt độ lên, nhưng với một vật thể lỏng như nước đá, gia nhiệt thêm chỉ một chút khoảng 5-10 độ C thôi là nước đã chảy mất rồi”.
Vậy nhưng, công nghệ sấy đông khô của ông Viên lại giải được bài toán ấy. Và công nghệ này đã được Mỹ cấp bằng độc quyền sáng chế.
Với phương pháp mới này, các loại cây trái như mía, thơm, cóc... hữu cơ sau khi thu hoạch sẽ được ép thành nước và đưa thẳng vào máy sấy đông khô rồi chuyển thành dạng bột, không chỉ dễ dàng pha uống và xuất khẩu đi nửa vòng trái đất, mà còn giữ nguyên được tất cả những vi khuẩn sống và các chất vi lượng có lợi ở trong đó, bảo toàn hương vị và chất lượng đến 96-98% so với sản phẩm tươi.
Ông Viên cho biết, để có được thành quả này, ông đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, thời gian, sức lực.
“Ban đầu tôi không có ý định mày mò nghiên cứu đâu, mà chỉ định mua máy móc về làm cho xong. Thế nhưng, các thiết bị sấy thăng hoa ở trên thị trường mặc dù rất tốt nhưng khi sử dụng vẫn không thoả mãn yêu cầu của tôi về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ độc đáo, đảm bảo dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ”, ông Viên nói.
Sau đó, ông chủ Vinamit quyết định tiếp tục bỏ tiền ra mua nhiều máy sấy của nước ngoài về để xem công nghệ của họ đã làm đến đâu, rồi cùng các cộng sự mày mò tháo lắp, nghiên cứu. Nhằm đảm bảo điều kiện thí nghiệm, ông Viên kết hợp với các nhà khoa học Đài Loan đánh giá tính khả thi, rồi cho chạy thử nghiệm.
Trong thiết kế chế tạo chiếc máy sấy đông khô ấy, ông Viên phải kết hợp rất nhiều ứng dụng công nghệ - kỹ thuật, từ điện khí lạnh cho tới điện toán, chân không.
Cái khó nhất, yếu tố quyết định là bộ dữ liệu chuẩn, đó là “điểm đông” của một sản phẩm cần sấy, yếu tố mấu chốt của công nghệ giúp máy sấy hiểu thời điểm đông, chảy của sản phẩm đầu vào, từ đó thiết lập tác động bức xạ nhiệt phù hợp để giữ lại được các enzyme, vi khuẩn sống. Với mỗi sản phẩm khác nhau như nước mía, đu đủ hay xoài thì điểm đông cũng như các thành phần chất bên trong chúng cũng lại khác nhau, khiến cho ông Viên và những người cộng sự phải tự nghiên cứu và ghi chép lại cẩn thận các dữ liệu của từng loại sản phẩm cho đến khi đạt độ ổn định cao nhất.
Nói về cơ duyên cho ra đời công nghệ sấy, Chủ tịch Công ty Vinamit cho biết, bắt nguồn từ cô con gái đang ở Mỹ.
Mùa hè năm 2018, con gái ông nhắn tin cho ông từ Mỹ, nói thèm nước mía quê nhà quay quắt. “Nhớ những lần về nhà, được ba chở ra quán. Cây mía tươi, bỏ lên quay, ép lấy nước uống liền. Nguyên chất, ngọt thơm lạ lùng. Chiều nay, con lén mẹ lái xe 45 phút đi tìm mua nước mía, nhưng thấy không ngon như ở nhà…".
Tin nhắn của con gái khiến ông không ngừng trăn trở, luôn nghĩ cách làm thế nào có thể gửi sang Mỹ những ly nước mía nguyên chất cho con.
“Sau đó, con bé gửi cho tôi những tài liệu về xu hướng thức uống mới ở Mỹ, đó là những loại nước trái cây tươi, giữ nguyên dưỡng chất, lợi khuẩn và giữ nguyên màu, mùi, vị, không phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, tương tự ly nước mía con bé nói thèm quay quắt. Tôi bắt đầu hạ quyết tâm nghiên cứu chế biến ra loại “nước mía nguyên bản” từ đó”, ông Viên kể.
Chặng đường mới khá gian nan, ông phải giải bài toán kép với nhiều yêu cầu, từ hình thức, mùi vị, tới các thành tố vi khuẩn, vi sinh...
“Tôi đọc rất nhiều tài liệu liên quan, nhưng không có nước nào có cách chặt mía xong cầm nguyên cây, xước ăn sống hay róc vỏ rồi cán thành nước uống liền như Việt Nam”, Chủ tịch Công ty Vinamit nói.
Bài toán càng nan giải khi là sản phẩm của sức khỏe, dựa trên nền tảng organic, không phải cây mía đường, cũng không trồng theo phương pháp canh tác hóa học. Mía phải vừa thu hoạch, vừa ép và mới sấy. Quá trình đó khép kín, luôn tươi mới thì mới giữ nguyên dưỡng chất, tinh túy của cây mía mà không dùng chất phụ gia, điều vị hay bảo quản.
Ròng rã mấy năm trời, ông liên tục thử nghiệm, biến đổi, sáng tạo các công đoạn trong quy trình công nghệ, từ khí điện lạnh bức xạ nhiệt đối lưu tự nhiên chân không đến các phần mềm tự động hoá IoT. Khi ứng dụng trên sản phẩm nước mía đạt kết quả cao, ông quyết định ngồi viết lại “sáng chế” của mình.
Để xin cấp bằng sáng chế ở Mỹ, ông phải trình bày khoa học, với 250 bài viết mô tả các sáng chế. Sau một năm, cơ quan thẩm quyền Mỹ thông báo đã thực hiện quá trình xem xét, phê chuẩn và khẳng định công nghệ có tính mới, không sao chép từ ai khác.
Khởi đầu thành công với nước mía sấy, Chủ tịch Vinamit tiếp tục chế biến và đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm sấy đông khô nguyên bản các loại trái cây, rau củ khác của Việt Nam như xoài, cóc, chanh dây, thơm…
Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên kỳ vọng, 5 năm tới sẽ chinh phục hơn 50 triệu người tiêu dùng, trong đó 30 triệu người Việt và 20 triệu thành viên quốc tế. Nhằm đẩy mạnh nhận diện thương hiệu Việt và đưa sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng toàn cầu, phục vụ cá nhân hóa, ông kết nối với Amazon, Alibaba... và nhiều sàn thương mại điện tử, hệ thống kinh doanh online lớn của thế giới. Bước đi này quan trọng và cấp thiết trong thời đại số, phù hợp với hành vi và phương thức mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng.
“Tôi quan niệm những gì thuần tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe. Chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là sản xuất chuỗi đồ ăn, thức uống giữ được sự nguyên bản và đơn chất, không phải dùng điều vị, phụ gia thực phẩm, hóa chất hay chất bảo quản. Đó cũng là xu hướng tiêu dùng ở hiện tại và càng về sau càng quan trọng hơn. Cho nên, sản xuất nông nghiệp muốn tồn tại và phát triển, cần phải đi theo hướng Organic”, Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên.
Theo Hồng Thuỷ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/cong-nghe-say-giu-su-song-khoi-nguon-tu-tin-nhan-them-nuoc-mia-que-nha-d304233.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã