Liên tục thắng thầu xuất khẩu
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), cho biết: Trong đợt mở thầu ngày hồi giữa tháng 5/2021 vừa qua, Hàn Quốc đã mời thầu nhập khẩu 3 lô gạo với tổng khối lượng 23.222 tấn với sự tham gia các công ty xuất khẩu gạo.
Kết quả, phía Hàn Quốc thông báo Công ty Trung An đã trúng 2 lô với tổng khối lượng 22.222 tấn. Lô gạo còn lại 1.000 tấn (gạo trắng) đã được phía Hàn Quốc kiểm mẫu.
Công ty Trung An trúng thầu loại gạo lứt hạt dài. Trong đó, một lô có khối lượng 11.111 tấn với giá 572 USD/tấn và lô còn lại cùng khối lượng nhưng với giá 578,5 USD/tấn (giá CIF). Thời hạn giao hàng cả 2 lô hàng trên lần lượt vào tháng 9 và tháng 10/2021. “Nếu trừ đi cước tàu và các loại phí bốc xếp, thông quan thì quy ra giá FOB tại Việt Nam khoảng hơn 500 USD/tấn”, ông Bình nói.
Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai Công ty Trung An trúng thầu bán gạo cho thị trường Hàn Quốc. Trước đó, ngày 19/4 công ty Trung An đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo hạt dài (gạo lứt 3 - 4% tấm) số lượng 11.236 tấn sang Hàn Quốc, với giá 584 USD/tấn, thời hạn giao hàng vào cuối tháng 6/2021.
Trong năm 2021, Hàn Quốc có hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hơn 50.000 tấn gạo. Trong 2 đợt mở thầu vừa qua, Công ty Trung An trúng thầu toàn bộ khối lượng gạo với hơn 33.000 tấn.
Theo dõi thị trường gạo xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết gạo trắng hạt dài tiêu thụ khá tốt, mức giá bình quân 520 - 530 USD/tấn. Trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, một vài quốc gia sản xuất cung cấp gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường một số nước vẫn tiếp tục tăng trong khi khâu vận tải biển vẫn chưa hết trở ngại và cước phí tàu biển tăng cao.
So cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu gạo trong qúy I/2021 tuy không tăng nhưng giá trị tăng 16 - 17%, trong đó gạo ST24 xuất khẩu sang thị trường EU giá rất cao, lên tới 970 - 1.000 USD/tấn.
IR50404 vẫn có phân khúc, giá trị riêng
Riêng tại thị trường EU, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết thêm: Gạo Việt đang có tín hiệu tiêu thụ tốt ở một số nước và đối tác đang hợp tác với công ty để xúc tiến mở chi nhánh nhà phân phối Trung An Rice tại Đức.
Trong khi đó, các nhà kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Những năm qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhờ nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đã bắt nhịp khá tốt xu hướng tiêu thụ lúa gạo trên thị trường xuất khẩu.
Hiện các loại gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm tiêu thụ tốt, còn gạo phẩm chất trung bình giảm. Theo dõi số liệu suốt 7 năm qua (từ 2014 đến nay) cho thấy các loại gạo thơm, nếp có xu hướng tăng diện tích sản xuất, chiếm tỷ trọng ngày càng cao, trong khi đó cơ cấu các loại gạo phẩm chất tầm trung có xu hướng ngày càng giảm.
Tuy vậy, gần đây một số doanh nghiệp cũng cho hay: Hiện hầu hết các loại lúa ở ĐBSCL cũng đều có mức giá cao. Loại lúa giá thấp nhất cũng trên 6.000 đ/kg. Đáng chú ý nhất, đó là ngay cả giống lúa IR50404 thời gian qua cũng bất ngờ tăng giá cao (lúa khô, tốt có thời điểm vọt lên 9.000 đ/kg), khó thu mua.
Nguyên nhân bởi một số vùng trồng giống lúa này trước đây chiếm diện tích lớn, nhưng thời gian qua đã giảm mạnh diện tích. Trong khi đó, nhu cầu đối với gạo IR50404 vẫn đóng vai trò ở một số ngành chế biến nhất định và vẫn tăng lên, nên nguồn cung ngày càng thấp đã giúp lúa IR50404 vẫn ngày càng có giá.
Bên cạnh đó, nông dân ở ĐBSCL từng ưa chuộng lúa IR50404 vì dễ canh tác, ít sâu bệnh, năng suất cao… Hơn nữa ra thị trường, dù đánh giá là loại gạo cứng cơm, song nhu cầu chế biến thực phẩm, làm bột, bánh, bún, phở… và cả nhu cầu doanh nghiệp cần gạo nguyên liệu IR50404 xuất khẩu vẫn tăng cao.
Vì vậy có thể nói, ngay cả với dòng lúa gạo được xem là phẩm cấp trung bình như IR50404 vẫn sẽ có những vai trò, giá trị gia tăng ở phân khúc riêng. Vấn đề đặt ra là cần khắc phục yếu điểm sản xuất nhỏ, manh mún đối với nhóm giống lúa này.
Ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục phát huy vai trò HTX, liên kết các thành phần kinh tế nông hộ vào tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị.
Thực tế trong những năm qua, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn nhìn chung mới chỉ được một số doanh nghiệp và HTX duy trì, nhưng chưa mở rộng, tăng diện tích lớn hơn.
Muốn xây dựng mở rộng cánh đồng lớn, không chỉ có doanh nghiệp tham gia, mà nút thắt còn phụ thuộc vào nguồn vốn, nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác và khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Nguồn tin: Hữu Đức/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã