Bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, trên bờ bao trồng hoa màu, cây ăn quả. Mô hình sản xuất kết hợp này tận dụng được tối đa từng tấc đất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đang được người dân quan tâm nhân rộng.
Theo bà Trần Thị Toan - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện hiện nay đạt trên 1.672 ha. Trong đó, diện tích thả cá trong ruộng lúa (cá – lúa) là 394,98 ha, chủ yếu ở các xã Hợp Thanh, Thượng Lâm, Hương Sơn…
"Mô hình nuôi cá – lúa đã tạo ra hệ sinh thái mang lại lợi ích cho cá và cả quá trình sinh trưởng của lúa, từ đó nâng cao năng suất, tận dụng diện tích mặt nước để bà con có thể dễ dàng canh tác" - bà Toan nói.
Ông Nguyễn Văn Điện - Giám đốc HTX nông nghiệp Hợp Thanh cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX là 79ha; mô hình lúa - cá được được quy hoạch 110ha và diện tích đã được phê duyệt 28,39ha.
Theo đó, diện tích nuôi cá - lúa của HTX nông nghiệp Hợp Thanh sau khi được phê duyệt đã đi vào sản xuất ổn định. Qua đánh giá, năng suất thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với chỉ trồng thuần túy 2 vụ lúa. Cụ thể, thu nhập trên 1 ha từ cá và lúa dao động từ 110 đến 130 triệu đồng/vụ.
Anh Đinh Văn Hòa, ở thôn Thọ, xã Hợp Thanh, được xem là người tiên phong thực hiện mô hình này. Anh Thanh chia sẻ: "Những năm trước đây gia đình chỉ trồng chuyên canh cây lúa nên cuộc sống gặp khó khăn. Sau nhiều năm lao động vất vả, kết quả cũng không mấy khả quan nên tôi luôn trăn trở, tìm tòi phải làm thế nào cho có thêm thu nhập ổn định ngoài cây lúa".
Từ khi có chủ trương của huyện Mỹ Đức chủ trương chuyển đổi mô hình canh tác, anh Hòa nhận thấy mô hình cá - lúa kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao nên bắt tay vào thực hiện. Năm đầu tiên với 1ha đất của gia đình, sau khi đào mương cao ráo, gặt lúa xong anh Hòa thả cá trắm và cá chép. Thật bất ngờ, mô hình cá - lúa kết hợp mang lại cho anh hiệu quả ngay vụ nuôi đầu tiên.
“Để giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, việc phát triển mô hình chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trọng. Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm thủy sản với quy mô 10ha, trong đó hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học; 100% quảng bá, xúc tiến thương mại; 50% điểm bán và giới thiệu sản phẩm, thủy sản" - ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội.
Đến nay, diện tích thả cá trong ruộng lúa của gia đình anh Hòa đã tăng lên trên 6 ha. Từ năm 2016, anh Hòa cùng nhiều hộ trong HTX nông nghiệp Hợp Thanh đã chuyển hẳn sang mô hình cá - lúa. Với diện tích trên, anh Hòa thả chủ lực cá trắm cỏ, cá chép và cá rô...
Mỗi năm sẽ cho thu hoạch 2 vụ, thu nhập 250 triệu đồng/vụ thu hoạch.
Anh Hòa chia sẻ, ưu điểm của mô hình cá - lúa là tận dụng được lá lúa, lúa con, các sinh vật phù du và gốc rạ làm thức ăn cho cá. Khi gặt xong, lại ngâm thóc đến khi lên mầm để làm thức ăn cho trắm.
Không chỉ cá được bổ sung nguồn thức ăn dồi dào từ đồng ruộng, mà cá sinh sống trong ruộng giúp làm sạch nước, lúa cũng sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đó, lúa phát triển đến đâu thì dâng nước lên tới đó nên hạn chế tối đa sự phá hoại lúa từ chuột. Mặt khác, xung quanh bờ ao được xây cao, gia cố chắc chắn, trồng các cây ăn quả xung quanh bờ ao sẽ cản lượng gió mỗi khi có mưa bão, lúa sẽ không bị đổ.
Hiện nay, mô hình nuôi cá - lúa của gia đình anh Hòa chủ yếu nuôi cá giống để xuất bán. Mỗi năm, trang trại sẽ cho thu hoạch 2 lứa cá. "Nếu thu hoạch toàn bộ trên diện tích 6ha thì sẽ cho sản lượng khoảng 20 tấn cá" - anh Hòa chia sẻ.
"Sau mỗi vụ thu hoạch, qua theo dõi, tính toán tôi nhận thấy tổng sản lượng lúa vẫn không hề thay đổi mà còn tăng lên. Bởi, cá trắm, chép, rô ăn ốc biêu vàng, mưa bão không làm lúa bị đổ và chuột không cắn phá" - anh Hòa chia sẻ.
Ông Vũ Văn Trung, Phó phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Nội) cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã rất quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã được đưa vào Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.
Huyện Mỹ đức hiện có 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Trong đó, xã Hợp Thanh được quy hoạch 110 ha nuôi trồng thủy sản. Khi phát triển, các hộ sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố như: chế phẩm sinh học, con giống...năm đầu tiên được hỗ trợ 50%, năm thứ 2 là 30%.
Hàng năm, Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức thường xuyên tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Theo thống kế của Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố khoảng 22.900ha, sản lượng thu hoạch đạt 52,52 nghìn tấn, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; mở rộng diện tích thâm canh nuôi trồng thủy sản tại các vùng có đủ điều kiện.
Theo Minh Ngọc/danviet.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã