Đó là anh Lê Thanh Tùng, 42 tuổi, ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. HCM. Ngoài đàn dế các loại lên đến 5- 6 triệu con, hiện anh còn sở hữu 5- 6 ngàn con cà cuống, loài côn trùng “chết đến dít còn cay” bởi chất tinh dầu thơm nức mũi tưởng chỉ còn trong ký ức tuổi thơ.
Khoảng 10 năm trước, tôi từng tìm đến tận nhà Thanh Tùng để lấy tư liệu viết bài về mô hình nuôi dế. Khi đó, việc nuôi côn trùng, trong đó có dế, tương đối lạ lẫm. Thanh Tùng khi ấy mới gần 30 tuổi, nhưng đã rất nhạy bén, nắm được xu thế thị trường.
Nhưng trước khi thành công với dế, Tùng đã nhiều lần thất bại với cách lập nghiệp “phổ biến”, như đa số người dân vùng nông thôn, đó là nuôi vịt, nuôi heo, nuôi cá, trồng rau…
“Cha mẹ tôi nghèo, sống bằng nghề nông, lại đông con nên tụi tôi học hành chẳng tới đâu. Năm 1995, tôi bắt đầu lập nghiệp bằng việc nuôi vịt. Sau khi gom góp hết vốn liếng tích cóp trong nhà, vay mượn thêm anh em mới được mấy chục triệu.
Tôi quyết định mua 350 con vịt siêu trứng và 1.800 con vịt cỏ về nuôi. Ban đầu làm ăn cũng lãi khá, nhưng sau đó trứng Tàu tràn về ồ ạt, bán phá giá, rẻ như rau, tôi lỗ nặng, đành phải bỏ”, Tùng kể.
Sau đó, anh đổi qua trồng rau. Anh vay tiền thuê mấy mẫu đất trồng rau sạch, bước đầu cũng thuận lợi. Rau bán giá cao, có bao nhiêu thương lái bao tiêu hết bấy nhiêu.
Đến năm 2000, đất Củ Chi lên giá, người dân thi nhau phân lô bán nền. Đất anh thuê bị đòi lại. Lần thứ 2 Tùng trở về điểm xuất phát. Vốn không còn, nợ nần chồng chất, anh phải đi làm thợ hồ, chắt chiu từng đồng, vừa lo miếng ăn hàng ngày vừa lo trả nợ.
“Năm 2008, một lần tôi được ông anh đưa đi ăn tân gia nhà mới ở quận 1. Vì ít khi ra ngoài, nên lúc cầm quyển thực đơn, tôi tròn mắt khi thấy có món dế xào, dế chiên, lăn bột, món nào cũng mấy chục ngàn đồng 1 dĩa nhỏ.
Tôi nghĩ, ở quanh vườn, mấy đám ruộng gần nhà, rất nhiều dế, sao mình không bắt bán lại? Nghĩ vậy, sau hôm đó tôi bỏ nghề thợ hồ, về đi bắt dế. Nhưng coi vậy chứ không đơn giản, vì dế chủ yếu sống trong hang, bụi.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm hiểu, tôi mới biết, dế của nhà hàng là dế nuôi chứ không phải đi bắt ngoài tự nhiên. Ngày bé, mình cũng hay bắt dế về chơi, rất dễ sống chứ không khó. Tại sao mình không nuôi? Sau đó, tôi tìm hiểu và đi tham quan một số mô hình nuôi dế, đọc thêm tài liệu, rồi bắt đầu nuôi thử”, Tùng kể.
“Anh nuôi dế là thành công ngay?”, tôi hỏi. Tùng đáp: “Không có đâu. Cũng 2 lần thất bại nặng, trắng tay luôn đấy”.
Rồi anh kể, năm 2003, đàn dế cũng lên mấy chục ngàn con rồi. Nhưng một buổi sáng, sau khi ngủ dậy, ra xem mấy xô, chậu nuôi dế thì thấy chúng chết gần hết mà không hiểu nguyên nhân tại sao.
“Lúc đó, phần vì mọi người trong nhà ngăn cản, nói tôi dở hơi, phí thời gian, phần vì đầu ra chưa phổ biến, giá rẻ, tôi định bỏ nuôi dế. Nhưng cứ nghĩ đến mấy năm trời vất vả chưa thu được gì là lại không cam lòng. Tôi quyết tâm làm lại từ đầu.
Nhiều ngày suy nghĩ, tìm nguyên do dế chết, tôi mới biết là dế nuôi ngay gần bếp, nấu ăn bằng củi, rơm rạ, nhiều khói, có thể dế bị ngộp thở mà chết. Sau đó tôi dời hết đàn dế ra ngoài vườn, cách xa bếp.
Sau khi gây lại đàn dế gấp đôi lúc đầu, thì thêm một lần nữa, dế lại lăn ra chết một loạt. Lần này là do ăn phải cỏ nhiễm thuốc trừ sâu tôi cắt ngoài ruộng về. Cứ thế, mỗi lần xảy ra sự cố, tôi lại rút ra được bài học kinh nghiệm”, Tùng tâm sự.
Sau 2 lần thát bại nặng nhưng không bỏ cuộc, Tùng đã thành công. Đều đặn mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường chục kg dế thịt với giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. “Sau khi thất bại với con dế, thêm nữa gia đình không ai ủng hộ, mọi người nói anh gàn, nhưng anh vẫn quyết làm. Đâu là lý do khiến anh kiên định theo đuổi con dế?”, tôi hỏi.
Tùng suy tư giây lát rồi nói: “Tôi không biết vì sao, chỉ luôn tin là mình sẽ thành công. Tôi từng thử với nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch, những loại hình khi đó rất nhiều người làm, nhưng rủi ro không ít, nên nghĩ đến là ngại.
Trong khi con dế chưa có ai làm, đầu ra rất tốt, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, đó là món ăn “đặc sản”. Chỉ là mình chưa có kinh nghiệm nuôi thôi. Làm từ từ sẽ quen, nghĩ thế nên tôi quyết tâm”.
Loài côn trùng thứ 2 Tùng nuôi sau khi thành công với dế là bọ cạp. Tùng nhận định, bọ cạp cũng là một món ăn ngon, bổ dưỡng, nhất là tâm lý “bổ dương” của nam giới, nên chắc chắn sẽ hút hàng.
Bọ cạp khá dễ nuôi, Tùng chỉ xây 4 bức tường ở một góc vườn, thả những trái dừa chẻ đôi vào làm chuồng cho bọ cạp. Thức ăn cũng có sẵn, đó là dế, cá, ốc, ếch, nhái và các loại côn trùng khác bọ cạp đều ăn.
Bọ cạp không ăn thịt lẫn nhau nên có thể nuôi chung nhiều lứa. Sau 2 tháng nuôi là xuất bán được. Hiện nay, mỗi ký bọ cạp Tùng bán tại nhà với giá từ 7- 800 ngàn đồng.
Nghe tôi hỏi: “Từ lúc nào anh có ý định nuôi cà cuống?”, Tùng kể: “Tôi từ nhỏ đã suốt ngày lăn lê ngoài ruộng, ngoài ao rau muống, nên con cà cuống cũng như hàng chục loài côn trùng khác như dế, cào cào, châu chấu… tôi không lạ lẫm gì.
Nhưng lâu lắm không nhìn thấy chúng, nên tôi gần như quên bẵng đi. Một lần xem tivi, thấy nói về con cà cuống, ở đâu tôi không nhớ. Lúc đó tôi mới sực nhớ là hồi bé từng bắt cà cuống nướng ăn, thơm ngon tuyệt đỉnh.
Từ lúc đó tôi bắt đầu để ý, tìm hiểu và biết ngoài Bắc người ta cũng có bán cà cuống, nhưng là đi bắt ngoài ruộng chứ không phải nuôi, số lượng rất ít. Thế là tôi bắt đầu lên kế hoạch nuôi”.
Năm 2015, sau cả tháng trời cầm vợt lưới đi khắp đồng, ao, mương ở Củ Chi, Hóc Môn, anh mới bắt được 5 con cà cuống, mang về nuôi trong chậu. Ban đầu, anh không biết thức ăn của cà cuống là gì, tìm hiểu qua các tài liệu trên mạng mới biết chúng cũng ăn côn trùng y như bọ cạp.
Anh thả dế vào thử, hôm sau thấy mấy con dế chỉ còn vỏ xác. Kể từ đó, dế được thả nuôi cùng với bọ cạp, vừa sinh sản vừa làm thức ăn cho bọ cạp. Anh Tùng đầu tư xây 4 bể xi măng, mỗi bể rộng 6m2, đưa nước, thả bèo, lục bình vào như một ao nhỏ ngoài thiên nhiên.
Bên trong anh cắm những cọc gỗ nhô lên khỏi mặt nước cho dế bám. Anh Tùng cho biết, thu nhập từ con cà cuống cao gấp nhiều lần nuôi dế. Sau 2 năm nuôi, anh Tùng đã xuất bán đợt cà cuống đầu tiên, thu hàng trăm triệu đồng.
“Cà cuống ít thịt. Bộ phận giá trị nhất trên cơ thể chúng là túi tinh dầu nằm trong ngực. Khi nướng lên, mùi thơm ngào ngạt, tỏa khắp xóm, ai ngửi thấy cũng hít hà. Nếu nước mắm ngâm cà cuống thì ăn cơm không biết no. Không chỉ có mùi thơm, cà cuống có rất nhiều chất dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe người lớn.
Tôi được biết, cà cuống còn là một vị thuốc đông y, có công dụng hỗ trợ chữa bệnh còi xương cho trẻ em. Tôi đang có kế hoạch đầu tư làm nước mắm cà cuống cao cấp, và một số thực phẩm từ cà cuống. Đây sẽ là mặt hàng chiến lược trong tương lai”, anh Tùng cho biết.
Hiện tại, đàn cà cuống của anh Tùng đã lên đến gần chục ngàn con. Mỗi ngày anh xuất bán vài chục con cà cuống thịt với giá 60.000 đồng/con. Khách hàng của anh chủ yếu các nhà hàng.
Khách muốn mua 1-2 con về ngâm nước mắm, anh bán giá rẻ hơn. “Muốn nhiều người được thưởng thức món nước mắm cá cuống, nên tôi chỉ lấy 35.000 – 40.000 đồng/con. Đây cũng là hình thức quảng bá sản phẩm cho nhiều người biết. Tôi chắc chắn ai đã ăn nước mắm cà cuống đều ghiền”, anh Tùng cười.
Có những ngày anh thu 4-5 triệu tiền bán cà cuống. Riêng cà cuống giống anh bán 300 ngàn đồng/con. “Cà cuống giống đắt vì nuôi cà cuống thịt đến khi xuất bán hết 1 tháng rưỡi. Còn cà cuống giống phải 2 tháng rưỡi. Vòng đời con cà cuống sống được khoảng 14 tháng, đẻ tối đa 5 lứa, mỗi lứa được 150 – 200 trứng, tỉ lệ nở khoảng 98%”.
Theo Hồng Thủy- Đức Cường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã