Nơi gốc rễ của chè
Kể về lần đầu tiên làm nhiệm vụ trồng chè mới, anh Hà Tuyên (cán bộ nông nghiệp - Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường) vẫn còn nhớ như in những năm 2011 - 2012, huyện bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trồng chè mới ở xã Bản Bo. Những năm tháng ấy sao có thể quên được khi nhiệm vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân.
Anh Hà Tuyên hồi tưởng: Thời gian “Cứng” 8 tiếng làm việc tại cơ quan, còn lại giờ, ngày nghỉ, anh em chúng tôi người mang cuốc, người cầm xẻng, dép tổ ong hành quân lên sườn đồi cuốc hố, làm đất trồng chè cùng bà con. Khổ nỗi, chè được cho là cây trồng rất mới đối với bà con vì trước nay chỉ quen với cây lúa, ngô, đậu, sắn… nên nếu vắng cán bộ, coi như mọi việc đứng im. Chúng tôi phải làm mẫu để bà con đứng xem và học theo. Những cán bộ công chức, viên chức đã trở thành những người nông dân thực thụ với những nhát cuốc chắc nịch. Năm đầu tiên đó, 41/60ha chè đã được phủ xuống ở 2 bản Nậm Tàng, Cốc Phát của xã Bản Bo.
Còn đối với ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo cũng đầy trăn trở. Ông không chỉ ở vai trò người đứng đầu Đảng bộ xã mà đã có hàng thập kỷ trong vai trò là người dẫn dắt chính quyền và Nhân dân thuận tình, đồng lòng trồng chè. Đứng trên tầng 2 trụ sở UBND xã, chỉ tay ra những đồi chè non mơn mởn, thơm chát, ánh mắt ông Nguyễn Xuân Hoàn nhìn xa xăm: Để mà nói về cây chè ở đây, tôi nói cả ngày không thể hết vì nó đã gắn bó với tôi cả quãng đời tuổi trẻ. Khó khăn, nhọc nhằn, gian truân lắm, nhưng nếu không quyết tâm thì làm sao chỉ 6 năm thôi, những mảnh đồi lau sậy rậm rạp xưa kia có thể hóa thành những nương chè xanh ngan ngát như hôm nay.
Được biết, năm 2008, sau khi xã trồng thử nghiệm 3 giống chè (15ha), cuối cùng cho thấy giống Kim Tuyên là loại chè phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đất này. Phù hợp là vậy nhưng làm thế nào để người dân cùng “bắt tay” với chính quyền lại là việc rất khó. Vì nhận thức của một số người dân còn thấp, thói quen thả rông gia súc, còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng “100 câu nói hay không bằng một thực tế sống”, cây chè năm đầu tiên trồng thử nghiệm đã bắt đầu cho thu hoạch, giá chè búp tươi lại rất hấp dẫn. Nếu so với trồng lúa, ngô thì thu nhập từ chè vẫn cao hơn nhiều. Người dân đã đồng thuận nhận giống, diện tích để trồng chè.
Dự kiến đến hết năm 2020, xã có 670ha chè mới theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, nâng tổng diện tích chè lên gần 1.000ha (chiếm trên 50% diện tích chè toàn huyện). Trong đó có tới 417ha chè kinh doanh, sản lượng đạt trên 4.000 tấn. Nhờ trên địa bàn xã có cơ sở thu mua, chế biến chè với trình độ công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap, người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hái nên giá chè búp tươi thấp nhất đã 9.000 đồng/kg, cao nhất lên tới 40.000 đồng/kg, có những gia đình thu nhập với số tiền lớn từ chè với khoảng 400 triệu đồng/năm.
Bản Bo chính là “Điểm sáng” và là niềm tự hào của huyện về mảnh đất ngan ngát hương chè. Ngoài ra, huyện đã, đang và sẽ tiến hành đưa cây chè giống mới vào trồng tại các xã: Nà Tăm, Sơn Bình, tiến tới ở xã Khun Há.
Cây ấm no, xóa đói giảm nghèo
Trao đổi với chúng tôi về nguồn gốc cũng như định hướng phát triển cây chè trong tương lai, anh Trần Văn Sứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cười thật tươi, khẳng định: Đây chính là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại ấm no cho Nhân dân vùng chè. Ngoài các xã có diện tích chè trong vùng dự án, thì cây chè đã được Nhân dân các xã Thèn Sin, Sùng Phài (nay thuộc về thành phố Lai Châu), Bản Hon, Bản Giang trồng có thâm niên. Đến nay, diện tích chè kinh doanh toàn huyện là 970ha với năng suất bình quân trên 98 tạ/ha. Xác định đây là cây trồng chủ lực nên huyện đã đưa vào chỉ tiêu báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng hộ huyện trong nhiệm kỳ tới với tổng diện tích được mở mới 400ha và tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung.
Để cây chè vững từ “Gốc” cho đến sản phẩm đưa ra thị trường, huyện đã có cơ chế thu hút doanh nghiệp xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm để tìm đầu ra lâu dài, bền vững. Đồng thời, xúc tiến hình thành nhãn hiệu, đóng gói bao bì, từng bước tạo thương hiệu, đưa cây chè tiến xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Và thực tế đã chứng minh, sản phẩm chè được chế biến theo tiêu chuẩn VietGap đã đáp ứng được sự khắt khe của các thị trường khó tính của Châu Âu nên giá thành rất cao.
Cú huých mạnh mẽ để màu xanh của chè ngày càng nhân rộng trên mảnh đất Tam Đường đó chính là nhờ Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh trong đó có nhiệm vụ trồng chè chất lượng cao. Thực hiện Đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 02/11/2015 về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020. UBND huyện ban hành 4 đề án, 3 quyết định, 7 kế hoạch để chỉ đạo thực hiện.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, hợp tác của người dân, riêng thực hiện Đề án trồng chè chất lượng cao, trong 5 năm (2015 - 2020), huyện đã trồng mới được 661ha chè (đạt 220% nghị quyết) với cơ cấu giống Kim Tuyên và PH8, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 2.758ha. Để tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, trong 5 năm (2015 - 2020) Nhân dân vùng trồng chè đã hiến 92.532m2 đất để đầu tư mở mới đường giao thông nội đồng với tổng số gần 36km. Nhờ đó đã giúp người dân đỡ vất vả hơn về mùa mưa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 4 cơ sở chế biến chè tại gia đình. Minh chứng cho những “cái được” lớn nhất mà cây chè mang lại cho huyện, anh Hoàng Đình Quân - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp huyện khẳng định: Nhờ cây chè, đã giải quyết việc làm cho 2.847 hộ (tăng 1.503 hộ lao động so với năm 2015). Tổng giá trị sản xuất chè đạt trên 73,2 tỷ đồng/năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 45,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ cây chè ước đạt 25,7 triệu đồng/hộ/năm, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Vì lẽ đó, đây là cây xóa đói giảm nghèo của huyện.
Tạm biệt Tam Đường nhưng màu xanh của ấm no, trù phú, của bình yên như níu giữ bước chân chúng tôi không muốn rời. Hẹn một ngày không xa sẽ ghé lại Tam Đường cùng những người bạn phương xa để trải nghiệm du lịch đồi chè và nhiều thú vị khác.
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã