Ông Nguyễn Sỹ Xương, Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Long An) cho biết: Đến nay, Long An đã có 94/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 58% và vượt so với mục tiêu 50% của Trung ương và tỉnh giao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ở cấp huyện, Long An cũng có 2 đơn vị đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm xây dựng NTM là huyện Châu Thành và thành phố Tân An.
Giai đoạn 2015-2020, Long An đã huy động được trên 55.300 tỷ đồng để thực hiện chương trình NTM. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã chủ động và tập trung lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện xây dựng NTM, nhất là vốn tín dụng. Tỉnh cũng cũng chủ trương không huy động quá sức dân nên công cuộc xây dựng NTM được nhân dân ủng hộ. Từ đó, xây dựng NTM tại Long An là phong trào thiết thực, ý nghĩa nên ngày càng được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Nhờ xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Long An từ 15,6 triệu đồng/năm (2010) đã tăng gấp 3, lên 45 triệu đồng/năm (2019). Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm còn 1,52%, hộ cận nghèo giảm còn 2,71%. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhân dân rất phấn khởi.
Dù Long An không đưa kế hoạch có huyện NTM ở giai đoạn 2015-2020 nhưng việc có 2 đơn vị cấp huyện về đích trước thời hạn là một trong những điểm nổi bật của phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Huyện Châu Thành có diện tích thanh long lớn tỉnh Long An (diện tích trên 8.700ha). Những năm qua, cây thanh long cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là nền tảng vững chắc để đời sống người dân nông thôn phát triển vượt bậc. Từ thế mạnh đó, phong trào xây dựng NTM của địa phương cũng phát triển nhanh chóng. Giai đoạn 2011-2015, huyện Châu Thành xây dựng 8/12 đạt chuẩn NTM. Từ đó, đến nay huyện Châu Thành vừa tập trung xây dựng 4 xã còn lại đạt chuẩn vừa tiến hành xây dựng huyện nông thôn mới.
Đến nay, Châu Thành cũng có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cao nhất tỉnh. Diện mạo nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, 100% đường liên xã, ấp được nhựa hoá, cứng hoá đảm bảo người dân đi lại, mua bán rất thuận tiện. Châu Thành về đích trước hạn mang lại sự phấn khởi cho bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Châu Thành là huyện thuần nông với hơn 80% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị, đến nay tổng giá trị sản xuất bình quân trên một héc ta đất nông nghiệp của huyện đạt 650 triệu đồng/năm, tăng 500 triệu đồng/năm so với năm 2011. Trong đó, thanh long và tôm là cây trồng vật nuôi chủ lực của địa phương”.
Trước khi xây dựng NTM cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành là lúa nếp. Sau năm 2011, nhất là các năm 2013, 2014 huyện đã tập trung chỉ đạo những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây thanh long. Giai đoạn 2011-2018, toàn huyện đã chuyển đổi trên 7.530ha đất trồng lúa snag thanh long. Giá trị sản phẩm 1 ha thanh long đạt từ 500 – 800 triệu đồng/năm.
Để nâng cao chất lượng lãnh đạo huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch vùng trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000 ha tại 5.315 hộ. Nhiều mô hình sản xuất thanh long đạt trên 750 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha xuất hiện tại các xã Hoà Phú, Thanh Phú Long, Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh,…Nhờ đó, thu nhập của người dân dần được nâng lên, cuối năm 2019, thống kê thu nhập bình quân của huyện đạt gần 60 triệu đồng/năm, là một trong những huyện có thu nhập cao nhất tỉnh.
Nhờ thanh long, nhiều nhà tường, biệt thự đươc xây dựng rất khang trang, đẹp mắt. Người dân tranh thủ đất trống ở sân, quanh nhà là trồng thanh long. Về Châu Thành ngày nay, không tìm thấy đâu những mái lá tranh xiêu nữa. Cả huyện Châu Thành bây giờ chỉ còn có 289 hộ nghèo, tỷ lệ xấp xỉ 1%. Đời sống người dân nơi đây rất khấm khá, không thua gì ở thành phố tỉnh lị Tân An.
Ở nơi đây, người lao động luôn có việc làm. Tuy làm nông nhưng công việc rất nhiều, các thành viên trong gia đình thường làm không kể xiết. Đến mùa xông đèn, thu hoạch thanh long, các ông chủ ở đây phải thuê nhiều lao động từ nơi khác đến làm việc với mức chi trả từ 300.000-500.000 đồng/ngày.
Xã Thanh Phú Long là một trong 3 xã của huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng với các xã Hoà Phú, Dương Xuân Hội. Trên những con đường trải nhựa lán lừng chúng tôi không mất quá nhiều thời gian từ thị trấn Tầm Vu (trung tâm huyện Châu Thành) để tìm đến nơi đây.
Dọc hai bên đường là một màu xanh mơn mởn của những vườn cây vừa ra đọt non đợi kỳ làm trái vụ kế tiếp. Đương lúc này, để tìm một vườn đầy trái chín cũng hơi khó. Tuy nhiên, chúng tôi may mắn gặp được ông Phan Văn Ẩn (ở ấp 8, xã Thanh Phú Long) đang thu hoạch thanh long chín.
Ông Phan Văn Ẩn phấn khởi nói: “So hồi trước với bây giờ thì chênh lệch nó xa lắm. Ngày xưa thì đường nó ổ gà, hang hốc gập ghềnh, xấu xí dữ lắm. Bà con, phương tiện đi lại mua bán cũng khó khăn. Bây giờ thì ngon lắm rồi. Bên cạnh đó, kinh rạch bây giờ nạo vét ngon lành hết. Như tôi canh tác thanh long ở đây, nước nôi đầy đủ quanh năm. Thương lái tìm đến mua hàng cũng dễ”.
Thời gian tới, huyện Châu Thành đặt mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM để hướng đến xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo ông Thình: Quan điểm của huyện, xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, nhằm phát triển khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Để cụ thể hoá nhiệm vụ, mục tiêu này UBND huyện Châu Thành đã đề nhóm 5 nội dung đồng thời cũng là giải pháp cơ bản để thực hiện. Trong đó, ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp tập trung phát triển sản xuất và du lịch sinh thái bền vững. Ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại, xác định thị trường tiêu thụ đầu ra, xây dựng mã số vùng trồng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…
Theo Sở NN-PTNT Long An, giai đoạn 2021-2025, Long An sẽ có nhiều huyện và thị xã sẽ về đích NTM. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu: Có thêm ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Tân Trụ, Tân Thạnh, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. Trong đó, ít nhất có 2 huyện đạt NTM nâng cao. Riêng huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cấp xã có từ 70-75% xã đạt chuẩn NTM (lũy kế); có ít nhất 20% xã (34 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao (lũy kế); không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Tổng mức vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 dự kiến hơn 172.510 tỷ đồng. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020.
Theo Minh Đảm/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/long-an-xay-dung-nong-thon-moi-thiet-thuc-va-y-nghia-d278437.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã