Anh Khánh bắt đầu nuôi chồn vào năm 2013, từ một lần xin lại 3 con chồn hương non của người dân đi rừng về. Chưa từng nuôi chồn nên anh cố gắng tìm hiểu kiến thức và cho chồn con uống sữa bình với hi vọng chúng có thể sống sót. Nhờ dày công chăm sóc nên sau một thời gian đàn chồn từ 3 con đã nhân lên hơn 100 con và "đẻ" ra tiền giúp anh vươn lên làm giàu.
Năm 2017, anh Khánh quyết định bỏ công việc ổn định tại thành phố để dốc sức tập trung phát triển đàn chồn trên chính mảnh đất quê hương (thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Trong khi người làng làm kinh tế từ nuôi heo nuôi gà, thì anh lại liều lĩnh đầu tư 100 triệu đồng vào chồn hương – loài động vật hoang dã chưa ai dám nuôi.
Chồn hương là động vật ngủ ban ngày, kiếm ăn vào ban đêm. Bữa ăn chính vào khoảng 18h là cháo gạo nấu với đầu cá tạp, cho chồn ăn bổ sung chuối chín để có bộ lông mượt mà, thức ăn chỉ hết khoảng 1.000 đồng/con/ngày nên tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, chồn có sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh, đỡ công chăm sóc.
Anh Khánh cho biết, bệnh tiêu chảy rất thường gặp ở chồn nên phải chủ động phòng bệnh từ nhỏ và khi có triệu chứng thì nhanh chóng tách chuồng để tránh lây lan. Xây dựng chuồng trại cao ráo, yên tĩnh, thông thoáng để chồn thường xuyên leo trèo, vận động như trong tự nhiên để có sức khỏe tốt nhất.
Chồn là động vật hoang dã nên dễ nuôi, nhưng để phối giống thành công thì đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kiến thức và đặc tính sinh trưởng của nó. Chồn 10 đến 12 tháng tuổi là bắt đầu giao phối, mang thai 60 ngày và sinh được 3-5 con (sinh từ 2-3 lứa/năm). Chồn con được tách mẹ sau sinh một tháng và bú sữa bình trong khoảng 45-60 ngày để thuần dưỡng.
Chồn con nuôi 2 tháng là có thể xuất chuồng bán giống giá 6 triệu đồng/cặp, chồn giống từ 3-4 tháng giá 7 triệu đồng/cặp bao gồm cả kỹ thuật chăm sóc và giấy phép nuôi của kiểm lâm, chồn thịt có giá từ 1,5-1,7 triệu đồng/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Khánh thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Chia sẻ về công việc khó khăn nhất, anh Khánh tâm sự: "Nuôi chồn nhìn chung rất dễ, ít tốn kém mà lại có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, tôi thấy công đoạn thuần hóa chồn con là vất vả nhất nhưng cũng rất thú vị. Bởi nuôi chồn con cực như chăm con mọn, phải thường xuyên trông nom, đều đặn cho bú sữa, chơi đùa với chúng để dần thuần hóa".
Theo kinh nghiệm của anh Khánh, chồn hương dù đã thuần hóa nhưng vẫn còn bản tính hoang dã. Vì thế, mỗi con chồn bố mẹ phải được nuôi riêng một chuồng, chỉ nuôi chung khi con cái đến thời kỳ động dục và sau đó phải tách chuồng ngay để chúng không cắn nhau. Ngoài ra, chồn con sau một tháng phải được tách mẹ để tránh bị chồn mẹ cắn chết.
Tiếp nối niềm đam mê với động vật hoang dã, anh Khánh nuôi đàn dúi (chuột nứa) hơn 200 con. Loài vật này ăn tre nứa, mía, sắn nên chi phí thức ăn rất thấp, ít mắc bệnh và dễ nuôi. Phải chú trọng xây các ô chuồng kiên cố bằng gạch men để dúi không chạy mất, vệ sinh sạch sẽ và phòng bệnh sớm. Với mỗi cặp dúi anh Khánh bán giá từ 800-1,8 triệu đồng (tùy loại), thịt dúi là 480.000 đồng/kg, trừ đi chi phí anh thu lãi 100 triệu đồng/năm.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/nho-nuoi-chon-huong-chang-trai-da-nang-thu-lai-400-trieu-dong-nam-20201123120959955.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã